Chia sẻ về vấn đề nhãn hiệu đối với doanh nghiệp (DN) Việt, Gs.Ts Võ Tòng Xuân nhấn mạnh nhãn hiệu đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) là biểu tượng của thương hiệu. Việc bảo vệ thương hiệu cũng như các sản phẩm và dịch vụ mang tên nó là một việc quan trọng trong thương trường tương lai.
"Nhãn hiệu bao gồm kiểu chữ, câu chữ, logo, tên sản phẩm và dịch vụ, khẩu hiệu, hoặc nhiều thứ khác. Nếu DN không đăng ký bảo hộ quyền SHTT nhãn hiệu của mình thì một số đối thủ có thể lạm dụng hoặc bôi xấu", ông Xuân khuyến cáo.
Vừa thiếu, vừa thừa
Theo ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng phía Nam Cục SHTT (Bộ KH&CN), một trong những nhận diện các tài sản trí tuệ của DN chính là nhãn hiệu – dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Đơn cử như thương hiệu gạo Việt, theo ông Khuê, được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại nhằm mục đích quảng bá, quản lý và bảo vệ SHTT tại các nước nhập khẩu.
Thương hiệu gạo Việt Nam được xây dựng gồm: Nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm gạo của vùng, địa phương; nhãn hiệu cho sản phẩm gạo của DN.
Tầm quan trọng của nhãn hiệu cho thương hiệu Việt là thế, nhưng theo phản ánh gần đây, quy định hiện hành chưa có bộ tiêu chí để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn hiệu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm "hàng hóa Việt Nam" có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và thường bị nhầm lẫn. Điều này là một thách thức lớn để DN Việt hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết từ các hiệp định thương mại.
Hơn nữa, việc ghi nhãn hàng hóa cũng cần thông thoáng, tránh rườm rà thủ tục cho DN cũng là điều được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu tâm khi mới đây góp ý với Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ KH&CN) về dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
Chẳng hạn, về ghi nhãn hàng hóa trong trường hợp nhãn ghi thiếu, không đúng quy định (điều 5 Dự thảo). Tại đoạn 2 điều 5 quy định việc bổ sung và đính chính nội dung phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
"Quy định này vượt quá yêu cầu của Nghị định 43 và đặt ra một thủ tục hành chính mới cho DN. Trong khi đó, khoản 4 điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nghiêm cấm việc quy định thủ tục hành chính trong thông tư, trừ trường hợp được giao trong luật", VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời, việc ghi nhãn hàng hóa (được quy định tại Điều 9 Nghị định 43) là hoạt động tự thân của DN, không phải thực hiện đăng ký hay báo cáo với cơ quan nhà nước. Vì vậy, việc bổ sung và đính chính nội dung cũng cần thực hiện theo chế độ tương tự.
Do đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng: Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục, sửa chữa, các tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa phải thực hiện việc sửa đổi bổ sung trong một khoảng thời gian theo quy định.
![]() |
Quy định ghi nhãn hàng hoá cần tạo thuận lợi cho DN |
Làm khó doanh nghiệp
Mặt khác, ở khoản 2 điều 3 của Dự thảo có quy định về việc ghi nhãn hàng hóa trong trường hợp có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài. Theo đó, nếu đối tượng mua bán là cả bao bì ngoài hoặc đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp.
Tuy nhiên, theo VCCI, cần lưu ý rằng nếu hàng hóa có thể bóc ra để bán lẻ từng đơn vị hàng hóa thì việc quy định hàng hóa phải ghi nhãn cả với bao bì ngoài là điều không cần thiết, gây khó khăn cho DN trong việc thể hiện hình thức của bao bì ngoài.
Ví dụ như sản phẩm hộp bánh Trung thu thường gồm 4 bánh nhỏ, trong đó các đơn vị bánh Trung thu này đều được bọc bao bì trực tiếp và thực hiện việc ghi nhãn với bao bì này.
Bao bì ngoài là hộp bánh chủ yếu mang tính hình thức. Người tiêu dùng có thể dễ dàng xem các thông tin được ghi ở bao bì trực tiếp. Vì vậy, việc quy định phải ghi nhãn cho bao bì ngoài có thể gây khó khăn cho DN trong việc thể hiện hình thức cho bao bì ngoài.
Từ lý do như vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa quy định trên theo hướng: Nếu đối tượng hàng hóa là cả bao bì ngoài hoặc bán lẻ đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn cho bao bì trực tiếp. Đồng thời bỏ quy định tại Khoản 3.
Cần nhắc lại, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được ban hành từ tháng 4/2017 về nhãn hàng hóa, quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu. Thế nhưng, nghị định này chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng.
Trước mắt, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu.
Thế Vinh