Hãng tin Nikkei (Nhật Bản) dẫn các nguồn tin cho biết vào đầu quý IV/2020, Panasonic đóng cửa nhà máy sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng lớn nhất tại Thái Lan để chuyển qua Việt Nam. Việc Panasonic quyết định chuyển nhà máy sang Việt Nam là tín hiệu tích cực, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng không nên mừng sớm.
Cơ hội là có, nhưng...
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), đúng là Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 tạo ra một lợi thế cho Việt Nam trong khi các nước khác đang gặp khó khăn. Việc này đã góp phần xây dựng và củng cố lòng tin nơi các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam cần chiến lược bài bản để thu hút "làn sóng" FDI dịch chuyển (Ảnh: Tư liệu) |
Tuy nhiên, ông Thắng chỉ gọi đây là những điểm sáng để thu hút FDI trong thời gian tới. Ông cho rằng: "Cơ hội có, nhưng phụ thuộc vào việc chúng ta có tận dụng được hay không? Nhen nhúm một chút cơ hội thôi nhưng chúng ta có biết cách tận dụng và tổ chức để sử dụng cơ hội đó không?
Chưa kể, chúng ta còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới vì nhiều đối tác lớn như Mỹ, Singapore, Trung Quốc đều bị tổn thương bởi Covid-19, phải tạm đình chỉ các hoạt động đầu tư, xúc tiến và ký kết".
Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cụm từ được đề cập nhiều gần đây là "cơ hội vàng", nhưng "cơ hội vàng" đến tùy nơi, tùy lĩnh vực... Nếu không cẩn thận, "vàng sẽ có lẫn đất sét, vàng thau lẫn lộn".
Bà Lan khẳng định, hiện các nước dành ưu tiên và mục tiêu rõ ràng để thu hút FDI, còn Việt Nam vẫn đang đi theo chiến lược có nhiều mũi nhọn, là nguyên nhân khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội.
"Nhìn lại việc vì sao chúng ta bỏ lỡ cơ hội, tôi cho rằng một phần là do vẫn còn tình trạng hô khẩu hiệu mà không chịu đánh giá thực lực và có sự nghiên cứu, phân tích xem cần phải làm gì để thay đổi tình trạng và nắm bắt cơ hội", bà Lan nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm: Việt Nam nhìn thấy "cơ hội vàng" nhưng có vàng không còn tùy thuộc vào người biết đãi vàng hay không. Chúng ta cần biết sốt ruột để tận dụng cơ hội. Cơ hội luôn đi kèm thách thức. Cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư đi kèm với thách thức là những ngành sản xuất quan trọng bị thâu tóm, chất lượng đầu tư kém.
Bà Trang lưu ý, sự chuyển dịch sản xuất cần đi kèm với quyết tâm thoát khỏi tình trạng nước gia công đơn thuần. Đồng thời, việc tăng thu hút đầu tư nước ngoài thì áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp nội địa tăng lên. Đó là những điều mà Việt Nam phải tính đến.
Cần chiến lược bài bản
Theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Việt Nam đang có uy tín sau giai đoạn phòng chống dịch bệnh nhưng cần có chiến lược bài bản để thu hút dòng vốn đầu tư.
Nếu đã có nghị quyết mà vẫn từ từ, hành động thủng thẳng, Việt Nam sẽ bỏ qua cơ hội trăm năm khi các nhà đầu tư sôi sục dịch chuyển sản xuất sau đại dịch.
Theo ông Phan Hữu Thắng, chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã tương đối đầy đủ nhưng giữa chính sách và thực hiện còn cách nhau quá lớn. Nghị quyết 50 có xây dựng chiến lược, nhưng tổ chức như thế nào, bộ ngành và Trung ương làm gì, cần có phân công cụ thể.
Theo ông, phương thức sản xuất đã thay đổi theo nhu cầu mới của đời sống, kinh doanh, và thu hút đầu tư nước ngoài như vậy cũng phải thay đổi, nếu theo truyền thống dễ thất bại. Xu hướng về sản xuất công nghiệp là theo công nghệ cao, nhưng làm thế nào để thu hút công nghệ cao cần phải tạo dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ phù hợp với phương thức hoạt động trong giai đoạn mới.
Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài kể lại câu chuyện thu hút Intel đầu tư vào Việt Nam: "Trước kia, khi thu hút Intel, chúng ta gặp phải sự cạnh tranh lớn, khi đó trực tiếp lãnh đạo Chính phủ tham gia đàm phán, giải quyết những khó khăn cụ thể cho họ. Sau đó, Intel đã từ chối sang Ấn Độ, Thái Lan để lựa chọn Việt Nam".
Từ thành công trong thu hút Intel, ông Thắng cho rằng chúng ta phải có kế hoạch cụ thể: Thu hút đầu tư nước ngoài vào những dự án nào, lĩnh vực nào sẽ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế từng ngành nghề. Từ đó, xây dựng quy hoạch thu hút đầu tư công nghệ cao, tạo điều kiện từ mặt bằng, lao động chất lượng cao...
Mặt khác, Việt Nam cần phải tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài triển khai các thủ tục giải ngân vốn đầu tư. Vốn đăng ký đầu tư là 363 tỷ USD, nhưng thực hiện được có 209 tỷ USD, còn 154 tỷ USD đã đăng ký rồi nhưng chưa giải ngân được.
"Tại sao trong khi chúng ta vất vả xúc tiến đầu tư, những nhà đầu tư đang có dự án, làm dở dang, đã được cấp giấy phép mà không tạo điều kiện cho họ tiếp tục hoạt động, gỡ vướng về mặt bằng, chính sách… để họ bỏ vốn ra làm tiếp?", nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đặt vấn đề.
Lập tổ công tác đặc biệt thu hút FDI hậu Covid-19 Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với những thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra vừa diễn ra, các ý kiến cho rằng, qua tiếp xúc, tìm hiểu thì các nhà đầu tư đều bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn. Việt Nam có cơ hội, có nhiều lợi thế đón "làn sóng" đầu tư hậu Covid-19. Để đón đầu "làn sóng" này, thu hút các “đại bàng đến làm tổ", cần có các giải pháp thích hợp. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nếu như Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công. Chúng ta chống dịch Covid-19 bước đầu thành công nhưng phải lo phát triển đất nước thì mới đạt thắng lợi kép. Thủ tướng nêu rõ, cần có tư duy mới. Các ngành, các địa phương phải đón bắt, đón đầu dòng đầu tư mới này. “Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả hai phía”, Thủ tướng nói. Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường. Với những yêu cầu này, Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng ngay đề án để Thủ tướng có sự chỉ đạo chung trên tinh thần là nhanh và mạnh hơn, rõ hơn. Đặc biệt, đề án phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư, như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực. Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để thực hiện vấn đề này, do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan. Địa phương nào có dự án thì bổ sung vào thành phần của địa phương đó để giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra. |
Lê Thúy