Ts. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng |
Ông nhìn nhận thế nào về làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội "làn sóng" FDI này không, thưa ông?
Lâu nay, các nước phát triển từ bỏ công nghiệp thiết yếu, chuyển sang làm dịch vụ, khi dịch Covid-19 xảy ra, họ nhận thấy nền kinh tế của mình bị tổn thương vì quyết định này.
Cùng với đó, các nhà đầu tư nhận thức rõ ràng hơn về rủi ro phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhiều yếu tố tích tụ lại, thúc đẩy quá trình dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh, với quy mô lớn hơn.
Sóng FDI sẽ chuyển về đâu? Các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ở mức độ nào? Đầu tiên, họ có thể dịch chuyển về chính quốc của mình hoặc dịch chuyển về gần thị trường tiêu thụ hay dịch chuyển sang những quốc gia có điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro.
Việt Nam được đánh giá là một trong số những nơi có thể được lựa chọn. Đặc biệt, việc Mỹ đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia thịnh vượng đã tăng thêm điểm cộng trong thu hút FDI.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết rằng quá trình dịch chuyển sóng đầu tư này không phải diễn ra ngay lập tức "một sớm một chiều" mà diễn ra trong nhiều năm.
Rõ ràng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để đón làn sóng FDI này. Vậy theo ông, chúng ta phải chuẩn bị những điều kiện gì để nắm bắt thời cơ này?
Việt Nam hay nói có cơ hội, trong quá khứ, Việt Nam cũng đã có rất nhiều cơ hội như vậy. Tuy nhiên, cái quan trọng là cơ hội đó cho ai, mình có tận dụng cơ hội đó để phát triển quốc gia của mình hay không mới cần thiết.
FDI đầu tư vào chưa phải là vấn đề quan trọng mà thu hút FDI phải gắn với thúc đẩy phát triển của cả một quốc gia. FDI vào kinh doanh kiếm lợi nhuận là quá bình thường, không phải là mục tiêu của Việt Nam.
Nếu không thay đổi được điều này, thu hút FDI cũng chẳng là gì, nhiều khi thu hút FDI làm thiệt hại thêm tiềm năng phát triển của mình về dài hạn.
Muốn nâng cao hiệu quả thu hút FDI, tôi cho rằng chúng ta cần thay đổi cách thức tiếp nhận và thu hút đầu tư. Chiến lược thu hút FDI cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, từ đó tiếp nhận đầu tư có chọn lọc, mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào phát triển của đất nước Việt Nam.
Ông có thể nói cụ thể hơn về việc làm sao để thu hút hiệu quả dòng vốn này, những bất cập nổi cộm về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?
Trong 10 năm qua, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đều không thấy bóng dáng đóng góp của FDI.
Tôi nhìn vào các khu vực thu hút nhiều FDI như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tp.HCM... đều là mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ kết hơp với việc mở cửa thị trường bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng, chứ không có một yếu tố sáng tạo, huy động nhiều nguồn lực trong nước.
Chênh lệch giữa GNP (Tổng sản lượng quốc gia) và GDP ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp FDI rất lớn, điều này chứng tỏ người dân không được hưởng lợi gì, không tạo nhiều giá trị gia tăng trong nước. Trong khi đó, tiền chuyển ra nước ngoài ngày càng lớn.
Đặc biệt, chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do đem lại nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn cơ hội đó chủ yếu DN FDI tận dụng được. Họ được hưởng lợi thế lao động giá rẻ, tài nguyên, ưu đãi vượt trội. Họ vào chủ yếu triển khai công đoạn lắp ráp, tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường mà chúng ta ký kết FTA.
Từ đó, Việt Nam xuất hiện 1-2 nền kinh tế trong một nền kinh tế. Người Việt Nam, DN tư nhân Việt Nam gần như không tận dụng được cơ hội này. Vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp.
Điều này cho thấy, thu hút FDI trong bối cảnh mới cần phải gắn với mục tiêu của Việt Nam. Hai bên đều có lợi ích và lợi ích của ta phải nhiều hơn. Chúng ta phải có những mục tiêu, tiêu chí để đo lường việc đạt mục tiêu đó như thế nào.
FDI vào phải đàm phán với chúng ta, được chúng ta chọn lọc. Ai đạt được mục tiêu đó thì tiếp nhận, không đạt cương quyết không tiếp nhận. Thậm chí có thể cực đoan nói không với nhà đầu tư, chứ không tiếp nhận bằng mọi giá, "lót ổ, biệt đãi" vô điều kiện.
Một trong những yêu cầu bắt buộc với DN FDI là phải gắn kết được với khu vực tư nhân trong nước, đưa DN tư nhân Việt Nam vào trong mạng lưới sản xuất của họ.
Bên cạnh đó, Việt Nam phải đặt hiệu quả của việc thu hút FDI lên hàng đầu, giá trị gia tăng tạo ra trên đất Việt Nam cao hơn, nguồn lực mình bỏ ra như đất đai, tài nguyên, hệ thống ưu đãi phải được trả lại lợi ích một cách tương xứng.
Mình hỗ trợ ưu đãi thuế, đổi lại họ phải đào tạo lao động cho Việt Nam, nâng cấp chuỗi giá trị.
Liệu rằng yêu cầu trên có áp đặt quá với các nhà đầu tư nước ngoài để rồi làm mất lợi thế của Việt Nam không thưa ông?
Theo tôi, để yêu cầu trên không phải là áp đặt, Việt Nam cần phải làm cho DN tư nhân trong nước lớn mạnh, không thể kìm hãm họ mãi. DN tư nhân phát triển sẽ trở thành đối tác tin cậy hợp tác với FDI.
Muốn vậy, Việt Nam cần phải tạo điều kiện môi trường kinh doanh tốt nhất cho khu vực tư nhân trong nước, cách thức quản lý Nhà nước thay vì quản và quản cần chuyển sang kiến tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn.
Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận vào điểm nghẽn lớn nhất cản trở DN tư nhân chính là thiếu thể chế, quá rủi ro trong việc đầu tư. DN tư nhân Việt Nam không tiếp cận được các nguồn lực như đất đai, tiền vốn.... Người có sáng kiến, người có đào tạo, người có dự án tốt không có được nguồn lực tốt. Dẫn tới, DN sợ lớn, không muốn lớn. Kinh doanh mà luôn nơm nớp lo sợ chính sách "sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng". Vì vậy, giờ phải có tư tưởng đổi mới về cải cách, tư duy không phải cải cách là để cải cách, cải cách phải là để phát triển, để phát triển khu vực tư nhân.
- Xin cảm ơn ông!
Thy Lê (ghi)