Nhiều nước đang tính tới việc dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, ông đánh giá gì về cơ hội của Việt Nam trong việc đón làn sóng FDI này?
- Đúng là gần đây có sự dịch chuyển FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu do các nhà đầu tư muốn phân tán rủi ro bớt từ “giỏ” Trung Quốc, do Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là tác động tiêu cực của Covid - 19 đã và đang tạo áp lực mạnh để chuyển dịch luồng đầu tư từ Trung Quốc, nhất là những nhà đầu tư còn chần chừ chuyển sang các nước cận kề, trong đó có Việt Nam.
Ts. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Đây là cơ hội tương đối lớn với Việt Nam, tuy nhiên, nói cơ hội thì chắc chắn cũng có rủi ro đi kèm, nếu không có chiến lược thu hút, lựa chọn hữu hiệu, Việt Nam có thể thu hút phải dự án sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm, làm ăn chụp giật, nhất là khi Trung Quốc siết chặt các dự án gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ nhiều năng lượng và do chi phí nhân công ở nước này tăng cao (năm ngoái, thu nhập trung bình gấp 3 Việt Nam). Các loại dự án đầu tư này Việt Nam chắc chắn không cần.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút dòng FDI từ nhiều nước/vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan (đang triển khai chính sách hướng Nam (mới), Nhật Bản (hỗ trợ doanh nghiệp nước này rút bớt đầu tư từ Trung Quốc),.. Trong cuộc chơi mới này, Việt Nam là một địa bàn đầu tư ưu tiên. Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia 2 hiệp định tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với nhiều nước phát triển cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp FDI từ các nước trên và toàn cầu muốn có được có lợi thế mới từ đầu tư ở Việt Nam. Những điều này cho thấy, trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút, lực chọn được dòng vốn FDI thế hệ mới, phù hợp với ưu tiên quốc gia.
Thưa ông, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút FDI rất lớn nhưng cơ hội không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn với nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Vậy, Việt Nam phải làm gì để có lợi thế cạnh tranh hơn những quốc gia kia, thưa ông?
- Muốn hấp dẫn dòng vốn ngoại, khi một số nước trong khu vực cạnh tranh trong thu hút vốn FDI (nhất là Thái Lan, Inđônêxia), Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh - cạnh tranh, đẩy mạnh xây dựng, củng cố hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là cảng biển. Cùng với đó, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao, hỗ trợ để liên kết các doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành những "vệ tinh", mắt xích trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, tôi cho rằng dù thu hút bằng cách nào các địa phương cần phải quán triệt nguyên tắc không chạy đua hấp dẫn FDI mà hạ chuẩn thu hút FDI, ngược lại phải tăng chuẩn để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, đáp ứng ưu tiên quốc gia, địa phương.
Giả dụ, Việt Nam đón được làn sóng FDI từ Trung Quốc nhưng như ông vừa đề cập công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp FDI, điều đó có nghĩa Việt Nam rất khó tận dụng hết cơ hội mà FDI đem tới, ông có giải pháp gì không?
- Công nghiệp hỗ trợ yếu kém là nguyên nhân khiến Việt Nam khó hấp thụ luồng vốn FDI, nhất là liên kết với họ để phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Ngoài biện pháp mang tính trung tính như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, còn cần phải đánh giá đúng thực trạng, vị thế và chiến lược phát triển của ngành này trong mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu. Chính lúc này, rất cần một Chính phủ kiến tạo phát triển.
Chính phủ cần phải xem ngành công nghiệp hỗ trợ nào có thể cần và có thể phát triển hữu hiệu được trong bối cảnh hiện nay (thị trường quốc tế khá thông suốt, các công ty đa quốc gia chi phối mạng lưới sản xuất, đầu tư vốn ban đầu cao, trong khi chu kỳ sản phẩm công nghệ rút ngắn,…). Thực tế, các doanh nghiệp FDI đa phần là công ty xuyên quốc gia, có chuỗi sản xuất mang tính khu vực, toàn cầu, đã có ‘gốc rễ’ ăn sâu tại từng nước; do vậy, có khả năng chi phối lớn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp FDI kéo theo các doanh nghiệp nhỏ từ trong nước sang (vốn là vệ tinh của họ), càng khiến tác động lan tỏa lên nền kinh tế trong nước bị hạn chế.
Cần lưu ý là, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ yêu cầu vốn lớn, công nghệ cao, tay nghề cao lại nhiều rủi ro. Do vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh mới là chiến lược đòi hỏi tính kiến tạo phát triển cao, chuyên nghiệp, với tầm nhìn toàn cầu/khu vực và dài hạn. Điều này đòi hỏi đánh giá chuyên sâu.
Mới đây, tại hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT bày tỏ lo ngại doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng bị mua rẻ. Điều đó cho thấy Việt Nam rất cần thu hút FDI nhưng phải cẩn trọng, theo ông chính sách phải thay đổi ra sao để chặn nguy cơ này?
- Xu hướng đầu tư thông qua Sáp nhập, hợp nhất và mua lại (M&A) đã khá phổ biến, nhất là gần đây bởi các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện ở Mỹ và châu Âu - khi các nước này sa vào khủng hoảng tài chính, nợ công 2007-2008. Tại Việt Nam, xu thế này rõ hơn từ 2019 bởi các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, động cơ M&A ở Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc chưa thực sự rõ, trong khi mục đích này ở Mỹ và châu Âu là mua lại tài sản chiến lược, nhất là công nghệ. Bị mua rẻ (khái niệm tương đối), là vấn đề nếu né tránh được thì tốt, nhưng nó cũng giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp ở Việt Nam. Lo ngại nhất là khi FDI mua lại các doanh nghiệp/dự án nhạy cảm, có ảnh hưởng đến an ninh, chủ quyền, lợi ích cốt lõi quốc gia, không những ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới, kể cả Mỹ.
Để quản lý được rủi ro, Chính phủ cần phải rà soát, chỉnh sửa và điều chỉnh các điều kiện chính sách, kỹ thuật,… liên quan đến M&A (tỷ lệ cổ phần, thời hạn bán ra,...) theo các ngành hàng nhạy cảm, hay tiềm năng là nhạy cảm. Xây dựng được hệ thống thống tin đủ chi tiết về kinh tế, kỹ thuật, an ninh,… Đồng thời, cần kiểm soát hữu hiệu việc đứng tên, bán lại các dự án, nhất là bất động sản nhạy cảm,…để bảo đảm lợi ích quốc qia. Tuy nhiên, để thực thi các quy định này không dễ.
Xin cám ơn ông!
Lê Thúy (thực hiện)