Có thể lấy CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) là trường hợp điển hình về một DN cơ khí đầu đàn trong nước tiên phong ứng dụng công nghệ số hóa trong sản xuất.
Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai – Trường Hải của Thaco ở tỉnh Quảng Nam có 14 nhà máy công nghiệp hỗ trợ hiện đều đã áp dụng hệ thống điều hành dây chuyền sản xuất thông minh trên nền tảng số hóa, kết nối các dây chuyền tự động toàn nhà máy.
Con đường tất yếu
Chính điều này đã đáp ứng việc sản xuất hàng loạt theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng, nâng tỷ lệ tự động hóa tại các nhà máy đạt gần 60%. Đơn cử như nhà máy Nhíp trong khu phức hợp đến nay có tỷ lệ tự động hóa đạt trên 70%, nhờ đó đã nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy từ 6.000 tấn/năm lên 10.000 tấn/năm và giảm 5% giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh để mở rộng thị trường xuất khẩu (XK).
Sản phẩm của nhà máy Nhíp hiện đã XK sang Hàn Quốc, khu vực Trung Mỹ và ASEAN với sản lượng gần 200 tấn/tháng. Dự kiến, năm 2019, nhà máy sẽ XK sản phẩm sang thị trường EU.
Quan sát chuyện này, giới chuyên gia cho rằng việc tự động hóa và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tại các nhà máy cơ khí công nghiệp hỗ trợ là con đường tất yếu để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành cơ khí Việt hiện nay.
Điều đó sẽ giúp DN cơ khí Việt nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hàm lượng công nghệ, làm chủ trong sản xuất linh kiện phụ tùng và cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm chủ lực, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Lê Trí Tín, Giám đốc bộ phận Tự động hóa nhà máy Bosch Rexroth Việt Nam, cho rằng việc xây dựng một nhà máy hoàn toàn tự động hóa, kết nối không dây và thông minh sẽ giúp DN Việt sản xuất rất linh động với nhiều biến thể của sản phẩm.
"Ví dụ một sản phẩm có rất nhiều biến thể, thay vì đầu tư nhiều máy móc, công sức để chỉnh sửa dây chuyền trong nhà máy sản xuất, nhà máy thông minh có khả năng làm được. Việc này không phụ thuộc vấn đề lớn hay nhỏ, khi DN đặt vấn đề xây dựng nhà máy thông minh cần có ý tưởng bắt đầu làm, quy mô nhỏ thì tự động hóa theo kiểu nhỏ, quy mô lớn thì tự động hóa theo kiểu lớn", ông Tín nói.
Vấn đề là DN cần đặt tự động hóa vào nhà máy và nhà máy tự động hóa đó có khả năng kết nối và làm việc với những cơ sở dữ liệu lớn. Điển hình là ngành cơ khí ô tô, với nhiều phiên bản xe khi nhà máy thông minh nhận đơn hàng của khách hàng, việc tự động hóa sẽ giúp cùng một dây chuyền có thể sản xuất nhiều biến thể của chiếc ô tô.
Một số DN cơ khí lớn trong nước đang tiên phong tự động hóa nhà máy |
Nhiều việc phải làm
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa nhà máy thông minh đến với nhiều DN cơ khí Việt. Ông Tín cho rằng DN khi tiếp cận với nhà máy số hiện đại trong tương lai cần có tầm nhìn đúng đắn về việc họ mong muốn như thế nào khi đầu tư nhà máy.
Chẳng hạn, nhà máy sản xuất sản phẩm theo ý muốn của khách hàng hoặc quá trình sản xuất đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp, việc can thiệp tự động hóa sẽ giúp DN cơ khí giảm được nhiều chi phí ban đầu hoặc rút ngắn được rất nhiều thời gian sản xuất.
Cần nhìn nhận một thực tế là đa phần các DN cơ khí Việt hiện mới ở trình độ công nghệ 2.0, đây chính là một thiệt thòi và trở ngại để sớm ứng dụng công nghệ số, tự động hóa nhà máy với trình độ công nghệ 4.0.
Điều này dẫn đến sản phẩm cơ khí của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm có hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị gia tăng còn thấp.
Đáng chú ý là ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ của Việt Nam phụ thuộc hơn 70% nguyên liệu nhập khẩu. Khoảng cách về tiêu chuẩn chất lượng giữa DN cơ khí Việt và nước ngoài khá lớn. Các DN cơ khí Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, vốn ít, nên việc đầu tư công nghệ chỉ ở mức trung bình, vì vậy tính cạnh tranh sản phẩm không cao, không đáp ứng đòi hỏi tiêu chuẩn công nghệ.
Với kinh nghiệm cung ứng các dây chuyền sản xuất nhà máy thông minh ở Việt Nam trong thời gian qua, ông Nguyễn Nam Giang, Giám đốc CTCP Công nghệ Quỳnh (Tp. HCM), băn khoăn liệu các DN Việt có dám thay đổi tư duy đầu tư để ổn định hay không. Trên thực tế có nhiều nhà máy cơ khí trong nước rất "lởm khởm", thiếu hẳn các công nghệ tiêu chuẩn.
"Có những DN cơ khí thuộc dạng nhỏ và vừa hoạt động theo kiểu manh mún và tự phát, việc gia công chế tạo cũng tự phát, thiếu hẳn sự đầu tư bài bản. Đa phần họ nhập từng loại máy móc rẻ tiền, đầu tư theo kiểu cuốn chiếu. Điều tất yếu xảy ra là họ sẽ không có được nhà máy gia công cơ khí đúng tiêu chuẩn mà vẫn mãi chỉ là những xưởng gia công nho nhỏ", ông Giang chỉ rõ.
Thế Vinh