Thực tiễn 30 năm qua cho thấy ngành sản xuất cơ khí Việt Nam phát triển chậm, thậm chí đang tụt hậu so với thế giới, không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường trong nước. Bởi vậy, khi nói tới việc cạnh tranh giành thị phần ở thị trường nước ngoài quả là rất khó khăn.
Xuất khẩu thụt lùi
Theo "Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035", đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam sẽ phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về XK, giai đoạn đến năm 2020, sản lượng XK đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%; đến năm 2035 đạt 45%.
Mục tiêu XK này không lớn nhưng trong bối cảnh ngành cơ khí bị đánh giá là ngày càng tụt hậu, theo các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia, điều này rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh các số liệu thống kê đang cho thấy XK cơ khí đang có dấu hiệu giảm dần.
Cụ thể, năm 2014, XK cơ khí đạt kim ngạch 15,23 tỷ USD, năm 2015 là 26,6 tỷ USD. Năm 2016, kim ngạch XK các sản phẩm cơ khí chỉ đạt trên 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng và phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại, kim ngạch XK các sản phẩm cơ khí của Việt Nam mới đạt trên 16 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc công ty Tư vấn công nghiệp Việt Nam (ICOVI), chia sẻ rất phấn khởi trước các mục tiêu phát triển ngành cơ khí được nêu ra tại Chiến lược. Tuy nhiên, nếu các DN cơ khí trong nước không phát triển, chắc chắn sẽ không triển khai được "tham vọng" như vậy.
Hiện nay, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhiều lợi thế hơn các DN Việt Nam. DN FDI được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ, vay vốn từ các ngân hàng nước ngoài lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất các DN Việt Nam vay trong nước, được sự hỗ trợ toàn diện (công nghệ, quản lý, vốn…) của công ty mẹ, có thương hiệu, có thị trường quốc tế khá ổn định và dung lượng khá lớn… Điều đó khiến các DN cơ khí trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các DN FDI.
"Nhiều thành viên trong Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam cho rằng đây là sự cạnh tranh không bình đẳng", ông Thịnh chia sẻ.
Là một DN thuộc nhóm các DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, đại diện công ty TNHH Fumee Tech, cho biết rào cản lớn nhất của các DN là vốn, điều này hạn chế tốc độ phát triển của DN. Vì vậy, để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên có thêm nhiều quỹ tài trợ, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng mà DN có thể tiếp cận nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Chính phủ có thể đưa ra các chương trình hỗ trợ thiết thực hơn đối với DN. Đó chính là hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đào tạo về kỹ năng quản trị, tài chính, kinh doanh… cho các chủ DN để DN phát triển đúng hướng, có chiến lược kinh doanh bài bản và tầm nhìn dài hạn.
Mặt khác, Nhà nước nên thành lập các trung tâm tư vấn về công nghệ để hỗ trợ cho các DN trong các vấn đề về cải tiến và nâng cấp công nghệ cũ, mua và chuyển giao công nghệ mới.
Điều đó giúp các DN luôn được trang bị những kiến thức cập nhật nhất về tình hình công nghệ trong nước và trên thế giới, qua đó có sự đánh giá và lựa chọn hướng đi phù hợp.
Trước các kiến nghị của DN, đại diện Bộ Công Thương khẳng định sắp tới sẽ nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, nhằm thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có thương hiệu trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường XK cho các DN cơ khí trong nước.
Việc cạnh tranh giành thị phần ở thị trường nước ngoài được đánh giá là rất khó khăn |
Đổi mới để phát triển
Theo đánh giá, sản phẩm cơ khí của Việt Nam hiện nay có sức cạnh tranh thấp, các DN trong nước đầu tư chắp vá và dàn trải với công nghệ sản xuất khép kín và lạc hậu, thiết bị chậm đổi mới.
Tình trạng chia cắt và phân tán trong ngành cơ khí chưa được khắc phục, năng lực nghiên cứu tư vấn ứng dụng công nghệ tiên tiến còn hạn chế, các sản phẩm cơ khí có hàm lượng công nghệ khá mang thương hiệu Việt không nhiều.
Do vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông Trần Văn Tuấn, Tổng Giám đốc CTCP Kết cấu thép và Thiết bị nâng Việt Nam, cho rằng các DN cần phải tạo thị trường bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sản phẩm có giá cả cạnh tranh, tập trung vào công tác marketing giới thiệu sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, quản lý phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn khu vực để có thể XK và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, DN lựa chọn một vài sản phẩm nghiên cứu và sản xuất chuyên sâu, tăng cường hợp tác lẫn nhau để tránh đầu tư dàn trải.
Đồng quan điểm, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam, cho rằng cơ khí Việt Nam muốn có nhiều đơn hàng, tham gia chuỗi XK cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ, trình độ công nghệ để có thể chế tạo các sản phẩm phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài với chủng loại đa dạng như: phụ tùng ô tô, phụ tùng linh kiện thiết bị điện tử, các chi tiết đúc, rèn, các cụm thiết bị, vật liệu xây dựng…
Nhìn ngành cơ khí Việt Nam từ góc độ DN FDI, ông Park Hongook, Tổng Giám đốc công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, cho rằng các DN trong nước chưa thực sự liên kết chặt chẽ với nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Giữa các DN FDI và các DN tư nhân chưa có nhiều cơ hội để khoa học công nghệ có thể lan tỏa, hỗ trợ, tương hỗ nhau.
"Đây là một trong những thách thức mà chúng tôi cho rằng rất lớn nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ, chính ngành cơ khí Việt Nam rất dễ bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0", ông Park Hongook nhấn mạnh.
Lê Thúy
Ông Lê Viết Sự - Phó Giám đốc CTCP chế tạo máy – Vinacomin DN cơ khí mong cơ quan quản lý hết sức hạn chế việc di dời các nhà máy cơ khí để lấy đất cho các dự án bất động sản, vì để tạo dựng được một nhà máy cơ khí cần nhiều vốn và thời gian. Việc di dời các nhà máy cơ khí gây nhiều khó khăn, bất lợi, làm gián đoạn sản xuất của đơn vị, thậm chí không thể khôi phục sản xuất sau di dời. Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam Nhà nước cần tập trung hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại XK cho các sản phẩm máy nông nghiệp sản xuất trong nước, chính sách hoàn thuế VAT cho máy nông nghiệp XK, quỹ hỗ trợ XK cho phép các DN bán máy nông nghiệp XK trả chậm để thâm nhập thị trường nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Thụ - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam Năm 2017, chúng ta vẫn chưa giải được tốt bài toán đầu tư có trọng điểm của ngành cơ khí. Hàng loạt câu hỏi đặt ra cần được trả lời. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói hiện nay có một số cán bộ quản lý do trình độ chuyên môn kém nên không thể giải quyết và trình các cấp có thẩm quyền giải quyết. |