Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột Nga - Ukraine…, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch ước đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%; nhập khẩu đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I/2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.
Chi phí vận chuyển "ăn" hết lợi nhuận xuất khẩu
Với kết quả trên, nhiều chuyên gia dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 có thể đạt kỷ lục mới và sẽ vượt mốc 700 tỷ USD. Trong đó, về xuất khẩu năm 2022, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng 6 - 8% so với năm 2021, đạt khoảng 363 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này lại đang đối mặt với khá nhiều thách thức, đầu tiên là bài toán nguyên liệu.
Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 lập kỷ lục mới, vượt mốc 700 tỷ USD. |
Chia sẻ với VnBusiness, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến tháng 9 năm nay, chốt giá xong xuôi. Mỗi ngày, trung bình công ty xuất đi 1 container. Song hiện nay, nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn, doanh nghiệp tính toán giá năm nay có thể tăng thêm 5-8% so với năm ngoái.
Trước áp lực chi phí đầu vào, doanh nghiệp dệt may dù có đơn hàng đầu ra dồi dào nhưng chủ yếu làm để giữ khách hàng, chứ lợi nhuận không có nhiều. Hiện nay, việc đặt chỗ trên tàu không khó, nhưng giá cước vẫn dao động ở mức cao. Đối với hàng dệt may đi EU, chi phí khoảng 16.000 USD/container, còn đi Mỹ từ 20.000 - 22.000 USD/container, cao gấp 7-8 lần so với trước đây.
Đại diện VitaJean cho biết doanh nghiệp đang giảm dần nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc bằng nguồn thay thế từ Thái Lan cũng như trong nước. Đây là cách làm để nâng cao lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ, nhờ Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu đáp ứng quy tắc xuất xứ thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan.
"Thời gian gần đây, chúng tôi cũng tăng cường nhập nguyên liệu của một số doanh nghiệp phía Bắc. Nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư bài bản trong phát triển khâu nguyên liệu, tôi tin rằng việc nội địa hóa ngành dệt may sẽ gia tăng trong thời gian tới", ông Việt chia sẻ.
Hay đối với ngành lúa gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin, trong vòng 2 tuần qua, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, với tổng mức tăng lên tới 17 USD/tấn. Giá gạo 100% tấm của Việt Nam đang được bán ra ở mức 355 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Pakistan khoảng 7 USD/tấn.
Đáng chú ý, có những loại gạo chất lượng cao của Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu bán được hơn 1.000 USD/tấn. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đánh giá năm nay triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam rất tốt.
Hiện, Trung An có hợp đồng giao hàng tới tháng 6, tập trung vào các thị trường như Hàn Quốc, châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á. Dịch bệnh kèm với xung đột Nga - Ukraine đã khiến một số chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm bị đứt gãy, là cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, đại diện Trung An cho biết ngành lúa gạo Việt Nam không hưởng được nhiều lợi ích từ mặt bằng giá gạo tăng. Nguyên nhân là chi phí vận chuyển quá lớn. Doanh nghiệp xuất khẩu không thể cộng tất cả giá cước vào giá bán, mà phải đàm phán, chia sẻ với khách hàng để giữ thị trường.
Nhập khẩu nguyên liệu với giá cao
Không chỉ xuất khẩu gặp khó mà nhập khẩu cũng gặp phải không ít thách thức. Trong quý I/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước. Không ít doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực, đối mặt tình trạng "khát" nguyên liệu khi Trung Quốc thực hiện chính sách "zero COVID".
Bên cạnh đó, một số mặt hàng như phân bón, xăng dầu... đang phải nhập khẩu với giá cao. Trong quý I vừa qua, nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 129%, dầu thô tăng 70%. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết việc phụ thuộc nhập khẩu dầu thô về sản xuất xăng dầu thành phẩm trong bối cảnh giá thế giới lên cao thì giá xăng dầu trong nước cũng sẽ chịu áp lực tăng. Thời gian qua, giá xăng dầu trong nước tăng liên tục, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với những khó khăn như nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao. Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu của sản xuất dự báo tiếp tục tăng cao, khiến giá hàng hóa trong nước tăng gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế cho hàng nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.
Bộ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới. Theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cam kết sẽ rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương biên giới phía Bắc tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp nhằm tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng đến thông quan thông suốt ổn định lâu dài.
Nhật Linh