Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 352.672 tấn, tăng mạnh 69,9% so với 2 tháng đầu năm 2021; thu về gần 241,68 triệu USD, tăng 280,6% về kim ngạch. Giá phân bón xuất khẩu trung bình đạt 685,3 USD/tấn, tăng tới 124% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2022, xuất khẩu mặt hàng phân bón các loại tăng 183%. |
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Campuchia vẫn đứng đầu về tiêu thụ phân bón của Việt Nam, đạt 53.133 tấn, tương đương trên 25,55 triệu USD; giảm 12,4% về lượng, nhưng tăng 35,5% về kim ngạch so với 2 tháng đầu năm 2021; chiếm 15% tổng lượng và chiếm 10,6% tổng kim ngạch phân bón xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Song trong bối cảnh giá phân bón trong nước tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng nên hạn chế xuất khẩu để góp phần "hạ nhiệt" giá leo thang.
Nhất là khi Nga và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá.
Cụ thể, Trung Quốc đã kiểm soát xuất khẩu 29 loại phân bón xuất khẩu từ ngày 15/10/2021, bao gồm Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, ammonium chloride và ammonium nitrate. Lệnh này không biết có hiệu lực đến bao giờ.
Ngày 17/11/2021, Nga hạn chế xuất khẩu phân bón nitơ và phân bón tổng hợp chứa nitơ trong 6 tháng để cố gắng kiềm chế sự tăng giá trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao. Hạn ngạch xuất khẩu phân đạm dự kiến là 5,9 triệu tấn; Hạn ngạch đối với phân bón chứa Ni tơ ở mức 5,35 triệu tấn. Hạn ngạch dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/5/2022.
Đại diện Vinacam đánh giá, các lệnh hạn chế/cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ khiến nguồn cung các loại phân bón nhập khẩu đặc biệt là Kali và DAP sẽ giảm nghiêm trọng trong thời gian tới, trong khi từ tháng 3, Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu vụ mới sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình.
Đồng thời, Vinacam cũng cho rằng các nhà máy sản xuất trong nước, trong đó chủ đạo là Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đã xuất khẩu khoảng 200.000 tấn từ cuối tháng 12/2021 và quý I/2022 nên áp lực tồn kho lên các nhà sản xuất là không lớn.
"Sau những biến động chính trị do chiến tranh ở Ukraine, Đạm Cà Mau đã hạn chế bán hàng cho đại lý, có thời điểm chỉ giao mỗi đại lý khoảng 100 tấn cho mỗi đơn hàng với lý do tập trung hàng xuất khẩu",Vinacam cho biết khi nhận định thị trường phân bón quý II/2022.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khẳng định sẽ rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Thy Lê