Theo Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2022 hồi phục mạnh mẽ, ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như: nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo…
Tính chung quý I/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%), cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I/2021 (Ảnh: Int) |
Xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý I/2022 ước đạt 7,27 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điểm nổi bật trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản là xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 ước đạt tới 900 triệu USD, tăng 41% so với tháng 2 và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so với quý I/2021 và chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao cả về lượng và giá trị do giá các mặt hàng này tăng cao.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,2%; thị trường EU đạt 11,21 tỷ USD, tăng 16,3%; thị trường ASEAN đạt 8,1 tỷ USD, tăng 19,9%; Hàn Quốc đạt 6,26 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản đạt 5,4 tỷ USD, tăng 10,6%.
Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 sẽ sớm vượt mốc 700 tỷ USD.
Về tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng cơ hội lớn nhất là từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Cụ thể, thời gian qua, Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn với mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Đây đều là các FTA với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, trên thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể.
Điển hình, trong CPTPP, các quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Peru, Mexico..., mức tăng trưởng trong xuất khẩu đều đạt từ 25-35%, thể hiện rất rõ cơ hội cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với cam kết sâu hơn cũng như tạo thuận lợi rõ ràng hơn và doanh nghiệp cũng có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này. Đáng lưu ý, trong khối RCEP có các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định RCEP sẽ tạo sự luân chuyển, giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào tốt hơn...
Đức Nguyễn