Trong những kỳ họp Quốc hội trước, thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cũng khẳng định xuất khẩu nông sản Việt Nam rất tốt, nhưng thực tế đó chỉ là bề nổi, còn đi sâu vào bên trong thì còn nhiều khó khăn, đời sống người nông dân vẫn chưa được cải thiện nhiều. Đến kỳ họp thứ 7, tình trạng này vẫn chưa cải thiện.
Khó cạnh tranh vì giá cao
Đại biểu Trần Văn Minh phân tích, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tích cực thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn.
Lấy ví dụ về tình trạng xuất nhập khẩu thịt gà trong năm 2018, ông Minh phân tích, chia tỷ lệ thịt gà xuất khẩu với tổng số gia cầm xuất khẩu thì lượng nhập khẩu ngược lại vào thị trường Việt Nam cao gấp 5 lần. Như vậy, độ chênh lệch giữa tỷ lệ xuất khẩu và nhập khẩu rất lớn.
"Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang bỏ ngỏ thị trường trong nước để cho doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh, trong khi đó lại cố vươn ra thị trường nước ngoài, nhưng sức cạnh tranh vẫn còn yếu", ông Minh nói.
Đồng tình, đại biểu Lê Minh Hoan (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng hiện nay, chúng ta xuất khẩu nông sản 1 thì nhập 2, như vậy tái cơ cấu ngành nông nghiệp không thành công. "Chúng ta đang bỏ phí thị trường nội địa, trong khi đó lại căng sức để cạnh tranh với các nước khác để xuất khẩu nông sản, trái cây", ông Hoan nhấn mạnh.
Điển hình là trái cây Việt Nam hiện nay khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài có sức cạnh tranh yếu hơn so với các nước khác do giá cả cao hơn nhiều.
Lấy ví dụ về trái xoài, ông Hoan thông tin, giá xoài nhập khẩu bán trên thị trường Mỹ hiện khoảng 2 USD/kg, trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam cho biết giá thành để xuất khẩu xoài tươi của Việt Nam dao động 6-10 USD/kg tùy loại. Giá thành xoài Việt Nam được cho là cao hơn rất nhiều so với các loại xoài nhập khẩu đang tiêu thụ mạnh ở thị trường Mỹ như Mexico, Peru, Ecuador, Guatemala, Brazil, Haiti.
Ông Hoan cho biết: "Vừa rồi, Đồng Tháp mời được một Việt kiều ở Đức về nước chế biến xoài xuất khẩu sang châu Âu, nhưng một thời gian sau, họ nói sai lầm vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với hàng của Thái Lan với giá thành rẻ hơn, chất lượng tốt hơn".
Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (Đoàn Tp.HCM) cho rằng ngành nông nghiệp tăng trưởng không bền vững là lý do khiến trái xoài mới vào Mỹ thời gian ngắn, người dùng không mua vì giá quá cao.
"Qua tìm hiểu, được biết cùng là quả xoài có chất lượng như nhau, nhưng giá thành của các nước khác rẻ hơn, do Việt Nam có chi phí logistics và phí soi chiếu cao, thuế VAT tăng. Hồi đầu năm nghe xuất khẩu được sang Mỹ thì mừng, bây giờ thì buồn", bà Thúy nói.
So với Việt Nam, "đối thủ" có kim ngạch xuất khẩu trái cây lớn trong khu vực là Thái Lan có chi phí xuất khẩu thấp hơn tới 1/3 vì có sự liên kết giữa các ngành như: hàng không – nông nghiệp…
Đừng để ngành nông nghiệp phụ thuộc vào thị trường ngoại là ý kiến của các đại biểu trước vấn đề từ năm 2019, Trung Quốc siết nhập khẩu nông sản Việt Nam.
Nông sản Việt cần giảm chi phí để tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu |
Tổ chức lại sản xuất
Theo đại biểu Trần Văn Minh, nếu hai năm trước, nông sản Việt Nam được thương lái tranh nhau mua để xuất đi Trung Quốc thì từ đầu năm đến nay, hàng phải có dán nhãn truy xuất nguồn gốc mới được thu mua và phải được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Hiện chiếm đến 70% tỷ trọng xuất khẩu nông sản của Việt Nam, từ đầu năm 2019, Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu thực hiện xuất nhập khẩu chính ngạch và đưa ra các hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt. Vì vậy, nếu không sớm thay đổi, hàng nông sản Việt Nam sẽ có nguy cơ "được mùa mất giá".
Tuy nhiên, ông Minh cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có động thái nào để ứng phó với sự thay đổi của thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Minh Hoan cũng chia sẻ: "Hiện nay, chúng tôi cũng chưa có thông tin để định hướng lại sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc".
Đáng lưu ý, mặt hàng xoài, thanh long và dưa hấu có tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn trong thời gian qua. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đã trồng được hai loại cây này và giảm dần nhập khẩu.
Do đó, các đại biểu cho rằng ngành nông nghiệp cần tiếp tục cơ cấu lại sản xuất, có giải pháp căn cơ thực chất hơn.
"Nên lựa chọn những ngành nghề có lợi thế về quy mô thị trường để tổ chức lại sản xuất, mạng lưới. Cùng với đó là kiểm soát dịch bệnh. Đây chính là trọng tâm chiếm lĩnh thị trường trong nước", đại biểu Trần Văn Minh nói.
Ông cũng đồng thời khẳng định, khi tổ chức tốt theo quy mô hàng hóa và sản xuất tốt thì không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đủ sức để vươn ra nước ngoài.
"Làm được như vậy, ngành nông nghiệp sẽ phát triển bền vững, không còn tình trạng "được mùa mất giá" và phụ thuộc vào thị trường nước ngoài", ông Minh nói.
Thanh Hoa