Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi hình thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh “số hoá” ở một doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, bà Trang Lê, quản lý bộ phận kinh doanh và tiếp thị của công ty Mitsubishi Chemical Cleansui tại Việt Nam, cho biết phải mất đến một năm thì toàn bộ nhân viên kinh doanh của công ty mới thuần thục hệ thống kinh doanh đã được “số hoá”.
“Khát” nhân lực chất lượng
“Điều đó đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, nhiều buổi huấn luyện (training) nhân sự để họ hiểu được quy trình chuyển đổi “số hoá” trong kinh doanh nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng. Tất nhiên là có chuyển biến tích cực và hiệu quả”, bà Trang Lê chia sẻ.
Cho lời khuyên với các DN Việt đang từng bước chuyển đổi số, theo bà Trang, điều đầu tiên là cần xem lại quy trình của công ty đã có thể tiếp nhận “số hoá” hay chưa. Nhất là công ty cần nhận thấy nhân viên của mình liệu có gặp khó trong việc tiếp cận “số hoá” hay không, nhằm đề ra giải pháp sớm khắc phục mặt hạn chế này.
Có thể nói, thách thức lớn trước xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam là nguồn nhân lực chưa thể hoàn toàn đáp ứng cho việc này. Câu hỏi quan trọng nhất mà một DN Việt đang trên lộ trình chuyển đổi số cần trả lời luôn là: Liệu có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể triển khai tất cả những ý tưởng tuyệt vời hay không?
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, 70% công việc ở Việt Nam đang có nguy cơ cao bị thay thế bởi những công việc khác hiện còn chưa định hình nên. Số hóa các ngành nghề truyền thống đang diễn ra rõ nét ở Việt Nam, đặc biệt là mảng chế tác – ngành đang dần chuyển đổi nhờ những công nghệ mới nhằm tạo ra những cơ hội hoàn toàn mới trong công nghiệp 4.0.
Còn theo dự báo của Deloitte và PwC, đến năm 2030, 2/3 số công việc sẽ đòi hỏi kỹ năng mềm rất cao và người lao động Việt cần nâng cao những kỹ năng mà tự động hóa không thể bắt chước được.
Vấn đề làm thế nào để nguồn nhân lực Việt có thể bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số của nền kinh tế được nêu ra tại hội thảo quốc tế về “Đổi mới sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp” tổ chức ở Thừa Thiên – Huế ngày 11/9. Đó là các đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Robot… đã làm thay đổi các quy trình tự động hóa và sản xuất, đồng thời đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với hệ thống đào tạo nghề.
Điều này đòi hỏi cần có các mô hình đào tạo chuẩn quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chuyển đổi số. Đơn cử như việc hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao giữa trường Cao đẳng Công nghiệp Huế với Bosch Rexroth, Bộ phận Truyền động và Điều khiển trực thuộc Bosch Việt Nam (100% vốn của Đức).
Ông Lê Trí Tín, Giám đốc Bộ phận Tự động hóa nhà máy – Bosch Rexroth Việt Nam, chia sẻ: việc hợp tác này sẽ đưa ra những mô hình đào tạo tiên tiến và các giải pháp mới trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu DN trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hồi năm ngoái, Bosch cùng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (Đồng Nai) cũng có một thoả thuận hợp tác công – tư về việc “lồng ghép các yêu cầu của Công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp” nhằm theo sát nhu cầu của DN trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và cuộc cách mạng số.
Xu hướng nhà máy thông minh đòi hỏi cần đổi mới giáo dục nghề nghiệp |
“Làm thân” với công nghệ
Ts. Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, cho biết mô hình hợp tác như vậy có thể nhân rộng sang các các trung tâm đào tạo nghề khác trên cả nước.
Trong nền kinh tế chuyển đổi số ở Việt Nam, công nghệ Blockchain được cho là đóng vai trò quan trọng, là nền tảng ứng dụng AI, tự động hóa và các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data). Việc đào tạo nhân lực về Blocchain cũng cần được đặt ra.
Ts. Chris Berg, chuyên gia cấp cao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Blockchain thuộc Đại học RMIT tại Australia, cho rằng sự phát triển của Blockchain ở Việt Nam sẽ tạo cơ hội để đất nước tạo đột phá mạnh mẽ trong công nghệ qua nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau, đặc biệt là ngành gia công và tài chính.
Theo Ts. Chris Berg, DN tại Việt Nam cũng quan tâm đến công nghệ Blockchain ở cấp độ tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm kiểm soát lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu và các giao dịch thương mại quốc tế. Do đó, rất cần nhân rộng các môn học về Blockchain cho nguồn nhân lực trẻ ở Việt Nam trong thời gian sớm nhất, có thể là từ đầu năm 2020.
Ông Oscar Lopez, Giám đốc Sản phẩm và Kỹ thuật tại Navigos Group, cho biết việc công việc mới vẫn đang được tạo ra trong khi những việc khác cũng đang dần biến mất là điều vừa thách thức, vừa đầy hứng khởi.
Để nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam chuẩn bị tốt cho công nghiệp 4.0, ông Lopez đề nghị cần “làm thân với công nghệ, thực hành tư duy phát triển, nâng cao sự nhanh nhẹn và luôn làm mới bản thân”.
Thế Vinh