Qua tiếp xúc nhiều DNNVV trong các ngành thực phẩm, bao bì, thuỷ sản… để có thể cung ứng các dây chuyền nhà máy sản xuất thông minh (ứng dụng công nghệ, quy trình thông minh vào sản xuất và quản trị theo công nghệ 4.0), ông Nguyễn Nam Giang, Giám đốc công ty CP Công nghệ Quỳnh, cho biết khi nhắc đến xu hướng đầu tư nhà máy thông minh cho tương lai, DN nào cũng thích, nhưng đều chia sẻ là để có mức độ đầu tư thì họ lại thiếu giải pháp tổng thể ngay từ ban đầu.
Manh mún đầu tư mới
Trên thực tế, theo ông Giang, việc đầu tư nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay của các DN nhỏ lại càng khó có thể kết nối được. Chẳng hạn như dây chuyền đóng gói, bảo quản, bốc xếp, vận chuyển… của DN thực phẩm, thủy sản luôn bị vướng về công nhân do sắp xếp không hợp lý nên không thể tự động hóa được, dễ bị ách tắc rất lâu khi có sự cố.
"Khi tôi đưa ra giải pháp đầu tư những nhà máy này theo xu hướng nhà máy thông minh thì họ từ chối vì ngại chi phí nhiều. Quan trọng là các chủ DN có chịu thay đổi, mạnh dạn đầu tư thì mới làm được, còn một khi họ không thấy được hiệu quả tức thời, thiếu sự đo đếm tính toán hiệu quả, lợi hại của đầu tư nhà máy công nghệ mới thì rất khó", ông Giang nhấn mạnh.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh tại hội thảo về các giải pháp cho nhà máy tương lai diễn ra ở Tp.HCM ngày 19/7, ông Lê Trí Tín, Giám đốc bộ phận Tự động hóa Nhà Máy – Bosch Rexroth Việt Nam, khẳng định nếu các DN Việt đầu tư những nhà máy ứng dụng các công nghệ tự động hóa hiện đại, tinh gọn và cơ động sẽ giúp giảm được giá thành sản phẩm, giảm chi phí đầu tư, rút ngắn vòng đời sản phẩm để ra thị trường nhanh hơn.
Lấy thực tế từ công nghệ giải pháp truyền động và điều khiển của Bosch Rexroth (công nghệ 4.0 của Đức), ông Tín cho biết đang có những công nghệ tự động hóa kết nối hiện đại, bao gồm ActiveCockpit – phần mềm hiển thị hóa dữ liệu sản xuất trong thời gian thực, IoT Gateway (kết hợp chính xác giữa các phần mềm và phần cứng điều khiển trong các ứng dụng công nghệ thông tin) và công nghệ nền tảng mở (Open Core Engineering).
Đây được cho là giải pháp toàn diện kết hợp tự động hóa với công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả trong các hệ thống sản xuất, giúp cho việc kết nối các hệ thống thiết bị và máy móc tại một nhà máy thông minh trở nên dễ dàng hơn.
![]() |
Các DN nhỏ còn thiếu sự đo đếm hiệu quả đầu tư nhà máy công nghệ thông minh |
Còn thiếu R&D
Để tiếp cận nhanh nhất, theo ông Tín, các DN Việt nên tiếp cận các tập đoàn, DN lớn đi tiên phong về giải pháp công nghệ mới thì mới có cơ hội được chuyển giao về trình độ chuyên môn, về sản phẩm, về giải pháp. Các DN cần phải học bằng cách tiếp cận thực tế đó từ những DN đang thực làm.
Trong khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thường coi việc đầu tư vào các nhà máy sản xuất thông minh theo xu hướng giải pháp toàn diện kết hợp tự động hóa với công nghệ thông tin nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong các hệ thống của mình thì đa phần các DN nội địa vẫn chưa làm được.
Việc chuyển giao những công nghệ như vậy thông qua FDI ở Việt Nam còn khá mờ nhạt, dù Việt Nam tự hào là quốc gia hấp dẫn dòng vốn FDI, đặc biệt là ngành điện tử trong vài năm gần đây với hàng chục tỷ USD đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, LG, Microsoft.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy do sự yếu kém của các DN nội địa trong ngành công nghiệp phụ trợ, rất ít DN trong nước có khả năng tiếp nhận công nghệ mới theo xu hướng nhà máy thông minh thông qua các liên kết ngược chiều hoặc xuôi chiều với các DN FDI.
Qua khảo sát về năng lực ứng dụng công nghệ trong báo cáo cạnh tranh toàn cầu ở 10 quốc gia châu Á, Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có chỉ số ứng dụng công nghệ mới thấp nhất. Nguyên nhân là các DN trong nước tại Việt Nam có ít cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến cũng như khả năng hấp thụ và sử dụng kém nhất trong số các nước được so sánh.
Cũng theo ông Giang, trong khi các DN FDI có sự đo đếm tính toán để đầu tư công nghệ mới thì đa phần DNNVV trong nước lại không có được điều này dù vẫn thấy những vấn đề tồn tại của công nghệ cũ ở nhà máy mà họ cần phải giải quyết.
Lẽ ra, bản thân các DNNVV trong nước phải có một bộ phận chuyên nghiệp trong việc đưa ra kế hoạch đầu tư mở rộng hay thay đổi công nghệ của nhà máy sản xuất. Thế nhưng, vấn đề thông thường vẫn là phát sinh đến đâu thì họ giải quyết đến đó chứ không phải là một giải pháp thực sự. Và chính việc thiếu hụt bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) là thiệt thòi lớn cho các DN nhỏ trong vấn đề này.
Thế Vinh