Ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa nhà máy của công ty TNHH ABB Việt Nam, cho biết xu hướng nhà máy thông minh ngày càng thể hiện rõ ràng trong công nghiệp sản xuất và các doanh nghiệp (DN) Việt cũng không thể nằm ngoài xu hướng này.
Nhu cầu lớn
Việc đầu tư vào nhà máy thông minh sẽ giúp cho DN Việt giảm chi phí rất nhiều. Ở nhiều lĩnh vực mà vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn đi trước tốc độ phát triển của công nghệ thì có những nhà máy theo xu hướng “tùy biến hàng loạt” với hệ thống sản xuất cho phép thay đổi nhanh chóng nhiều sản phẩm khác nhau.
Đơn cử như trong phân khúc ngành hàng điện thoại di động với vòng đời sản phẩm khá ngắn. Nhiều DN lớn của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam ở lĩnh vực này luôn nghĩ đến chuyện ra mắt sản phẩm mới nếu như có được một loạt chuỗi cung ứng liên quan đến việc sản xuất điện thoại đó.
“Điều này đòi hỏi các nhà cung ứng nội địa phải đáp ứng, cần đầu tư công nghệ vào nhà máy thông minh để chạy theo kịp tiến độ mà các nhà sản xuất điện thoại yêu cầu”, ông Phú lưu ý.
Nhu cầu ứng dụng robot thông minh vào sản xuất ở Việt Nam đang rất lớn, khi nhiều DN muốn tối ưu hóa sản xuất, tiết giảm chi phí vận hành và nhân công. Cách đây 2 năm, nhờ làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành hàng điện tử tăng cao, thị trường robot tại Việt Nam được thống kê xếp hạng lớn thứ 7 trên thế giới với 8.000 con.
Thế nhưng, do chi phí đầu tư robot thông minh còn khá cao so với nguồn vốn khiêm tốn của DN nhỏ, nên “sân chơi” này mới chỉ dành cho những DN có quy mô vừa trở lên.
Còn theo Ts. Lương Vũ Ngọc Duy, Giám đốc điều hành công ty Zara Yerntex Co. Ltd (một DN nội địa ở Tp.HCM trong ngành hàng dệt sợi), việc chuyển đổi một dây chuyền sản xuất từ truyền thống sang phương thức nhà máy thông minh là không hề đơn giản, nhưng đã đến lúc cần phải thay đổi để bắt kịp xu hướng mới.
“Trước đây, các thông tin về máy móc, về chất lượng, hiệu suất máy đều được các nhân sự trong nhà máy ghi lại bằng giấy rồi báo cáo kết quả sản lượng, chất lượng sản phẩm hàng ngày. Nhưng từ cách đây 2 năm, chúng tôi đã quyết định phải chuyển sang số hóa dây chuyền sản xuất của nhà máy, việc nắm bắt diễn biến chất lượng sản phẩm cũng dễ dàng hơn”, ông Duy chia sẻ.
Thời gian đầu, công ty vẫn băn khoăn về vấn đề chi phí đầu tư cho các thiết bị, công nghệ mới có tính chất thông minh. Thế nhưng qua tìm hiểu thì thực sự chi phí không phải là quá cao.
Nguồn lực DN nội chưa tương xứng nhu cầu đầu tư nhà máy thông minh |
Nguồn lực chưa tương xứng
Tại Hội nghị quốc tế ngành công nghiệp thông minh ASEAN – Trung Quốc diễn ra ở Tp.HCM cuối tuần qua, các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia quốc tế nhấn mạnh đến việc các DN trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng cần đầu tư vào xu hướng nhà máy sản xuất thông minh để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giới chuyên gia cho rằng nhà máy thông minh đang có xu hướng phát triển ngày càng tăng trên thế giới, nên các nhà sản xuất ở ASEAN hay Việt Nam cũng cần bắt kịp nhanh.
Đặc biệt là các công ty, tập đoàn lớn đang không ngừng cải tiến, triển khai các sáng kiến liên quan đến công nghiệp 4.0 nhằm đối phó với bài toán về nguồn lao động đang ngày càng cạnh tranh, cũng như tạo sự bứt phá trong thời đại cạnh tranh khốc liệt về kinh tế, thương mại.
Vào ngày 15/8 tới, một hội thảo quốc tế về nhà máy thông minh (smart fatory) – “Chuyển đổi công nghệ hướng tới công nghiệp 4.0” sẽ diễn ra tại Tp.HCM với sự tham gia của hơn 350 thương hiệu và các chuyên gia hàng đầu đến từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ông Thierry Thiện, Giám đốc marketing của CTCP Houselink, cho biết chủ đề trọng tâm của hội thảo là sẽ đưa ra những phương thức xây dựng môi trường nhà máy và vùng công nghiệp thông minh tại Việt Nam để có thể thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.
Đây cũng là một chủ đề bắt đầu nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư sản xuất nội địa, không chỉ vì xu hướng cách mạng 4.0, mà còn do làn sóng các DN FDI đầu tư vào Việt Nam đang tăng cả về số lượng và chất lượng.
Có thể thấy nhu cầu về các nhà máy thông minh đang tăng lên và rất tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, các vấn đề như nhận thức chung của các bên liên quan, cơ sở hạ tầng, máy móc và nguồn lực hiện tại chưa phù hợp và tương xứng với nhu cầu này.
Thực tế, khi trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, nhiều nhà sản xuất nội địa vẫn còn băn khoăn khi muốn đầu tư vào nhà máy thông minh là làm thế nào áp dụng thiết bị và hệ thống thông minh để vận hành sản xuất với chỉ số ROI (tỷ lệ lợi nhuận thu được so với chi phí đầu tư) cao hơn.
Ngoài ra, DN nội còn thắc mắc về những lợi thế hoặc bất lợi khi áp dụng nhà máy thông minh, nhất là việc làm thế nào để đồng bộ hóa tất cả các vấn đề phát triển về trình độ, cơ sở hạ tầng, chính sách, dịch vụ, giải pháp phù hợp…
Thế Vinh