Có thể thấy, chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam lại đứng trước nhiều cơ hội tại thị trường EU như hiện nay. Nhiều khách hàng tại EU đã ngỏ ý muốn tăng nhập nông sản của Việt Nam.
Truy xuất tới từng gốc cây
Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19, doanh nghiệp (DN) này vẫn nhận được lời đề nghị nhập khẩu khoảng 20 mặt hàng rau quả từ đối tác EU. Hiện, công ty đang làm việc với các địa phương, HTX, nông dân để chuẩn bị nguồn hàng và phương án xuất khẩu (XK).
Sản xuất sạch được xem là "giấy thông hành" đầu tiên cho nông sản xuất khẩu. |
Theo đại diện Công ty Ameii, muốn đẩy mạnh XK nông sản sang EU, yêu cầu đầu tiên là DN phải chuyên nghiệp. Những mặt hàng nông sản XK phải có mã số vùng trồng, truy xuất tới từng gốc cây. Đồng thời, sản phẩm phải có đầy đủ các loại chứng từ như GlobalGAP, VietGAP... Một khi đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này thì việc XK sang EU không quá khó khăn với các thủ tục còn lại.
Đánh giá về năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam, Tổng giám đốc Ameii nhìn nhận, Việt Nam có rất nhiều loại trái cây đặc biệt, chẳng hạn quả nhãn to, vị ngọt, hương thơm nên được nhiều đối tác lựa chọn.
Tuy vậy, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chắc chắn vẫn là vấn đề mà Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa, bởi tiêu chí của EU rất ngặt nghèo, lô hàng chỉ tồn dư một lượng thuốc bảo vệ thực vật nhỏ nhưng có thể "đánh sập" uy tín của cả một ngành hàng.
Nhiều DN XK rau quả cũng cho biết, khó khăn nhất không phải là việc tìm kiếm thị trường, mà là sản phẩm có đáp ứng đúng chuẩn của đối tác đưa ra hay không. Một phần nguyên nhân là vì nông dân vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp sạch.
Đặc biệt là vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, PGS.TS. Vũ Trọng Khải, chuyên gia chính sách nông nghiệp cho rằng, đa phần nông dân Việt Nam đang quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón hóa học quá mức cần thiết. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Việt Nam, cũng như cản đường nông sản XK.
Trong bối cảnh hiện nay, nông sản Việt Nam muốn được thị trường nước ngoài chấp nhận, tin tưởng thì ít nhất phải đạt được tiêu chuẩn VietGAP. "Đã đến lúc ngành nông nghiệp Việt Nam phải nói không với thuốc bảo vệ thực vật hóa học. XK không nên chạy theo số lượng mà nên hướng tới chất lượng", ông Khải nhấn mạnh.
Dẫn chứng về mặt hàng gạo, PGS.TS Vũ Trọng Khải đặt vấn đề: Tại sao không tập trung vào việc trồng các loại lúa gạo ngon, đặc sản, để XK gạo chất lượng cao tới các thị trường khó tính như EU, Mỹ... với giá 800 USD/tấn, thậm chí 1.000 USD/tấn, gấp 2 - 3 lần giá trị XK hiện nay?
Chặng đường dài làm nông nghiệp sạch
Vì sao việc sản xuất sạch vẫn chưa được nhân rộng? Lý giải điều này, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh Long Long An, chia sẻ kinh nghiệm từ câu chuyện của ngành hàng thanh long. Cụ thể, muốn trồng thanh long hữu cơ, người nông dân phải mất 2 năm chuẩn bị đất, chi phí vốn đầu tư lớn. Do đó, ban đầu khi Hiệp hội phổ biến, rất ít nông dân muốn tham gia.
Tuy vậy, cách nhìn của nông dân đã thay đổi hoàn toàn sau khi thấy được hiệu quả từ mặt hàng thanh long hữu cơ bán được giá cao, XK sang nhiều thị trường khó tính. Đặc biệt là từ bài học trên thực tế dịch COVID-19 vừa qua, việc trồng theo phương thức bình thường, dựa vào thị trường Trung Quốc rất nguy hiểm. Chính vì thế, nhiều hộ dân sẵn sàng chuyển hướng sang trồng hữu cơ, chấp nhận lỗ những năm đầu.
"Đến nay, nhiều HTX, hộ nông dân đã liên hệ với Hiệp hội để xin được sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ, trước mắt dù giá bán thấp và lỗ thì họ cũng xin vào làm để tạo hướng bền vững sau này", ông Trịnh cho biết.
Theo ông Hồ Đăng Khoa, đại diện Tập đoàn Quế Lâm, làm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi thời gian lâu dài chứ không chỉ trong một sớm một chiều mà được. Giá bán rất cao nhưng với điều kiện phải thực hiện nghiêm túc quy trình chăm sóc. Chẳng hạn như nếu sử dụng thuốc trừ cỏ thì sẽ không còn là nông nghiệp hữu cơ, gây mất uy tín về thương hiệu, niềm tin và giá cả sẽ sụt giảm ngay.
Trong khi đó, ông Trương Quốc Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, cần có chiến lược sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong những năm tới, giải quyết tình trạng dùng quá mức cần thiết, nhằm hướng nông dân tới nền sản xuất an toàn, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật để giảm sự lệ thuộc. Đó là sự tiến bộ chứ không phải thụt lùi. Vì vậy, phải tính toán để lành mạnh hóa danh mục thuốc được sử dụng, tăng lượng thuốc sinh học, giảm hóa học.
Chưa kể, thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt và tiêu chuẩn sản phẩm cũng vẫn chỉ là bước đầu để tiếp cận thị trường. Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và XK quế hồi Việt Nam chia sẻ, công ty đang có 2.600 ha quế hồi đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, được xem là "tấm thẻ thông hành" đầu tiên để khai thác thị trường EU. Tuy nhiên, để đứng vững và khai thác hiệu quả thị trường này, DN còn phải tiếp tục hoàn thiện.
"Thị trường EU còn yêu cầu sản phẩm phải hướng tới giá trị xã hội, hỗ trợ cho người nghèo tăng thu nhập, bảo vệ môi trường...", bà Huyền chia sẻ.
Ông Nguyễn Quý Dương Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hiện nay, ngoài các quy định về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, các quốc gia nhập khẩu nông sản Việt Nam còn kiểm soát rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, nhất là thông qua hậu kiểm định kỳ hoặc đột xuất. Qua kiểm tra, phân tích, nếu phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm, các nước sẽ thông báo cho Cục Bảo vệ thực vật biết để cảnh báo, khắc phục. Nếu tiếp tục phát hiện vi phạm, họ sẽ tuỳ tình hình để tăng mức độ kiểm tra giám sát, thậm chí dừng nhập khẩu. Ông Đặng Phúc Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Các DN phải xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn. DN cũng cần xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ riêng DN mà cả ngành. Vì vậy, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc. Bên cạnh đó, DN cần chú trọng đến các yếu tố quan trọng khác như tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động, môi trường... GS. TS. Võ Tòng Xuân Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ Trong hơn 30 năm qua, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy phân hữu cơ, chất vi lượng bồi dưỡng đất tốt hơn, nhưng nông dân thường thích bón phân vô cơ để cây xanh tốt hơn. Trước mắt thôi, nhưng họ không thấy lâu dài là bón phân vô cơ quá nhiều dẫn đến tình cảnh thoái hóa đất. Mặt khác, để nông sản Việt tiếp tục vươn xa, không còn cách nào khác là chính quyền và ngành nông nghiệp cần mạnh dạn thay đổi cách làm, phải kiểm soát và xử lý mạnh tay tình trạng cán bộ chức năng tiếp tay cho các công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bán hàng cho nông dân sử dụng để nhận hoa hồng. |
Lê Thúy