Bộ NN&PTNT vừa gửi Bộ KH&ĐT kịch bản tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 quay trở lại Việt Nam.
Phát triển thị trường, tận dụng tốt các FTA để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. |
Theo Bộ NN&PTNT, những tháng cuối năm, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do: xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu.
Tuy vậy, Bộ này vẫn dự kiến năm nay tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6 - 3%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,85%, thủy sản tăng 3,0%, lâm nghiệp tăng 2,57%. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu. Những tháng cuối năm, ngành này sẽ tích cực mở cửa thị trường, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiềm năng, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường. Tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp khẳng định sẽ tận dụng từng nhóm thị trường xuất khẩu kể cả những khe hẹp nhất từng thời điểm. Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA đưa lại để tăng cường xuất khẩu những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh COVID-19, phối hợp khai thác tốt thị trường nội địa.
Tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường (công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hoa Kỳ, Brazil... và xuất khẩu thủy sản sang thị trường A rập xê út, tôm vào thị trường Úc, cá tra vào Hoa Kỳ.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết khó khăn giao thương, thông quan, kiểm dịch hàng hóa nông sản qua các cửa khẩu chính ngạch, kiểm soát chặt chẽ xuất nhập khẩu nông sản theo tiểu ngạch, nhất là các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.
Đối với những thị trường trọng điểm khác (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...), nghiên cứu xác định thời điểm có thể đẩy mạnh xuất khẩu.
Lê Thúy