Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT TBS Group, Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), kể trong chuyến công tác đến Mỹ gần đây đã tới tham quan một nhà máy của hãng giày Nike. Nhà máy này dù chỉ có 16 công nhân nhưng tạo ra 1 triệu sản phẩm/năm. Việc tự động hóa, robot thay công việc người lao động ở nhà máy đã tạo ra năng suất vượt trội.
Chờ tối ưu sản xuất
Biết là so sánh giữa nhà máy ở Mỹ và ở Việt Nam có thể là khập khiễng, nhưng cũng cần đặt vấn đề bao giờ nhà máy sản xuất, đơn cử là của một ngành thâm dụng lao động như da giày, các doanh nghiệp (DN) Việt có thể tinh gọn và tự động hóa được tương tự như vậy?
Ông Thuấn cho rằng trong 2-3 năm tới, nếu các DN Việt không tối ưu được sản xuất (thời gian, chất lượng…) thì sẽ bị tụt hậu. Các DN muốn tồn tại, phát triển thì phải áp dụng sản xuất tự động càng nhanh càng tốt.
Theo nghiên cứu mới đây của Tập đoàn tư vấn JLL (Mỹ), số lượng robot phục vụ tại nhà máy ngày càng tăng khiến các chủ DN phải thay đổi kế hoạch và thiết kế lại kho xưởng.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, nhận định ngành thương mại điện tử bùng nổ tại Việt Nam trong những năm gần đây đòi hỏi một lượng lớn các nhà xưởng hiện đại có kỹ thuật cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu.
Theo đó, sự kết nối của các dây chuyền sản xuất truyền thống sẽ được tối ưu hóa, xóa mờ ranh giới vật lý. Vì vậy, thế hệ nhà xưởng tương lai được dự đoán sẽ có quy mô nhỏ nhưng được kết nối xuyên suốt và đồng bộ.
Ông Stephen cũng chia sẻ: "Công nghệ cao sẽ mang tới những thay đổi không thể tránh khỏi trong ngành công nghiệp. Những thay đổi này có triệt để hay không sẽ phụ thuộc vào tốc độ tự động hóa. Tự động hóa không có nghĩa là các nhà kho ngày nay sẽ trở nên lỗi thời, nhưng chủ sở hữu, nhà phát triển và nhà đầu tư cần phải có tâm thế sẵn sàng để đổi mới cách vận hành".
Hoặc như lĩnh vực kho vận, theo một báo cáo về nguồn nhân lực, tự động hóa và robot trong ngành logistics, việc cắt giảm lao động cùng với tái thiết kế kho bãi hiện đại (đặc biệt là nhà kho mới của các tập đoàn lớn) là bước đột phá trong việc vận hành thủ công của các kho bãi hiện nay.
Để cạnh tranh, các DN Việt cần tối ưu được sản xuất |
Còn ngại tốn kém
Đưa ra lời khuyên hữu ích cho các DN Việt Nam ở lĩnh vực này, ông Jon Sleeman – chuyên gia trong lĩnh vực khu công nghiệp và kho vận, cho rằng máy tự động và robot cho phép nhà kho tối ưu hóa không gian và cách bố trí hàng hóa.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, các DN nhỏ còn những mối lo cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất hay tự động hóa ở các nhà máy.
Đơn cử như khi mua công nghệ, DN còn ngại tốn nhiều tiền và nhân sự để vận hành, bảo trì. Nguồn nhân lực để vận hành lấy ở đâu, chi phí thế nào và liệu chủ DN có thể kiểm soát được nhân sự này hay không?
Theo giới chuyên gia, các nhà máy sản xuất áp dụng công nghệ tự động hóa sẽ cần ít diện tích hơn so với kho thủ công trước đây, do sở hữu đặc tính linh hoạt trong việc sử dụng không gian.
Một kết quả khảo sát của ứng dụng nhà máy mới với sản xuất tinh gọn cho thấy mặt bằng sản xuất trên mỗi máy trung bình giảm 45%; phế phẩm có thể giảm đến 90%; chu kỳ sản xuất giảm từ 16 tuần xuống còn khoảng 5-6 ngày; thời gian giao hàng giảm từ 4-20 tuần xuống còn 1-4 tuần.
Tuy nhiên, với đầu tư nhà máy mới, điều mà các DN Việt, đa phần là DN nhỏ, còn băn khoăn là liệu có phải tháo dỡ hoàn toàn các thiết bị, hệ thống cũ ở nhà máy trước đó hay không.
Hơn nữa, sẽ tốn kém chi phí đào tạo nhân lực cao và kéo dài, chi phí thuê các nhà quản lý có kinh nghiệm cao hơn bình thường, vốn đầu tư mua máy móc thiết bị cho tự động hóa cũng không nhỏ.
Với kinh nghiệm "chào hàng" công nghệ nhà máy tự động hóa từ châu Âu cho các DN trong nước, ông Nguyễn Nam Giang, Giám đốc CTCP công nghệ Quỳnh (Tp.HCM), cho biết DN bày tỏ sự quan tâm, nhưng khi đặt vấn đề về đầu tư thì họ từ chối vì ngại chi phí quá nhiều mà hiệu quả lại chưa tức thời.
"Khi tiếp xúc các chủ DN nhỏ và vừa, tưởng rằng họ nhanh nhạy trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong nhà máy, nhưng thực tế không phải vậy, nhắc đến đầu tư là họ lại ngồi suy nghĩ. Giải pháp thì có, người làm cũng có, tiết kiệm thì thấy được…, nhưng họ lại không có bộ phận có thể thống kê, tính toán cho việc đầu tư nhà máy mới, mặc dù rất muốn giải quyết những tồn tại trong nhà máy và có thể giải quyết được", ông Giang nhấn mạnh.
Thế Vinh