Với nghiên cứu vừa được công bố có tựa đề “Asian Development Outlook (ADO) 2018: How Technology Affects Jobs” (tạm dịch: “Triển vọng phát triển châu Á 2018: Công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến việc làm”), ADB đã góp tiếng nói với nhiều định chế uy tín khác về một chủ đề đang gây rất nhiều tranh cãi: Tác động của các công nghệ mới tới việc làm của con người.
Kết quả bất ngờ
Trước đó, các chuyên gia kinh tế như Dani Rodrik của Đại học Harvard từng lập luận rằng sự phổ biến của robot có thể tác động xấu tới các nước đang phát triển, khi “cướp đi” công việc của con người tại các nhà máy trong tương lai và ngăn cản các nước này theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa trên sản xuất, vốn là cơ sở giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của ADB lại chỉ ra điều ngược lại khi cho rằng lo lắng đó là thừa. Những lợi ích kinh tế vượt trội của tự động hóa, học máy (machine learning) và các công nghệ mới sẽ lấn át những tác động tiêu cực trên thị trường lao động.
Các nước châu Á sẽ phát triển tốt khi công nghệ mới được đưa vào sử dụng, cải thiện năng suất, giảm chi phí sản xuất.
Đồng thời, thay đổi công nghệ và kinh tế phát triển sẽ tạo ra nhiều lĩnh vực và việc làm mới, ví dụ trong ngành công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tài chính, bảo hiểm, bất động sản và nhiều các dịch vụ khác.
Sau khi phân tích đánh giá những thay đổi về tình hình việc làm ở châu Á trong suốt một thập kỷ (từ năm 2005 đến 2015), ADB phát hiện ra rằng hiệu quả hoạt động hoặc năng suất lao động cao hơn khiến nhu cầu việc làm tăng nhiều hơn hẳn số công việc mất đi do thay đổi công nghệ.
![]() |
Robot chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ, chứ không phải là toàn bộ công việc |
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các công nghệ mới thường chỉ tự động hóa được một số nhiệm vụ, chứ không hẳn là toàn bộ công việc. Chẳng hạn như các máy ATM, dù làm thay một số việc của nhân viên ngân hàng, nhưng chưa thể thay thế hoàn toàn và gián tiếp khẳng định vai trò của công tác quan hệ khách hàng mà chỉ con người mới đảm đương được. Ngoài ra, tự động sẽ chỉ được áp dụng khi bảo đảm tính khả thi cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế.
Tuy nhiên, dù giữ thái độ tin tưởng lạc quan, song ADB vẫn cảnh báo rằng tự động hóa mang lại những tác động khác nhau rất lớn giữa các ngành và các quốc gia.
Vì thế, mỗi chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ người lao động, hoặc giúp họ tự bảo vệ mình bằng cách tăng cường phát triển kỹ năng nghề, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, đẩy mạnh các chính sách bảo đảm an sinh xã hội và tái phân phối thu nhập.
Vẫn cần hết sức lưu tâm
Lấy ví dụ trường hợp Trung Quốc, dù dẫn đầu trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp những năm gần đây, vẫn có nguy cơ bị gặp khủng hoảng trên thị trường việc làm, do sử dụng số lượng lớn lao động trong những ngành đòi hỏi nhiều vốn, mà những ngành này lại có tiềm năng triển khai robot cao, chẳng hạn như sản xuất ôtô và điện tử. Hiện nay, mỗi ngành sử dụng tới 39% số robot công nghiệp của châu Á.
Tiềm năng lớn như vậy, nên người lao động của hai ngành này rất dễ bị “ra rìa”, khi quá trình tự động hóa được đẩy mạnh hơn. Ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc hiện chiếm khoảng 4% số việc làm của khu vực, còn ngành công nghiệp điện tử chiếm 9%.
Theo nghiên cứu của ADB, các ngành sản xuất ít bị đe dọa bởi tự động hóa sẽ là những ngành đòi hỏi độ khéo léo cao và dựa vào lao động giá rẻ, ở các nước có chi phí thấp.
Mặc dù một số công ty đã phát triển được robot có thể may quần áo, nhưng giá thành lại đắt đỏ. Vì thế, nhiều nhà sản xuất hàng may mặc vẫn muốn mở rộng lực lượng lao động ở các nước như Bangladesh, Ethiopia và Việt Nam hơn.
Robot trong ngành may không chỉ cần tinh tế, khéo léo để làm việc với vải, mà còn phải đủ rẻ thì mới đáng để thay thế một công nhân may mặc Bangladesh vốn chỉ tốn 68 USD tiền công mỗi tháng.
Hiện nay, các ngành công nghiệp may mặc và chế biến thực phẩm chỉ sử dụng 1,4% số robot của khu vực, nhưng lại chiếm tới 31,5% số công nhân làm việc trong nhà máy.
Hải Châu