Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thị trường nông sản thế giới năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu (XK) khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong khi nhu cầu giảm hoặc tăng trưởng chậm.
Tiếp tục khó khăn
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản điển hình như lúa gạo, rau quả… ghi nhận tín hiệu tích cực, tăng cả lượng và giá, hàng loạt mặt hàng cây công nghiệp như tiêu, điều, cao su, cà phê không mấy khả quan. Năm 2018, kim ngạch XK các mặt hàng này đều đi theo chiều sản lượng tăng nhưng giá trị giảm. Đáng chú ý, có mặt hàng giá trị XK giảm khá mạnh so với năm trước.
Theo ước tính, năm 2018, XK cao su đạt 1,58 triệu tấn, trị giá 2,11 tỷ USD, tăng 14,5% về lượng nhưng giảm 6,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017; giá XK bình quân giảm 18% so với cùng kỳ năm 2017, xuống còn 1.335 USD/tấn.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong nửa đầu năm 2019, XK cao su sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc sẽ chậm lại do kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại. Để XK cao su bền vững hơn nữa, các doanh nghiệp (DN) cần chủ động mở rộng thị trường để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Về hồ tiêu, năm qua, XK hạt tiêu ước đạt 232.000 tấn, trị giá 758 triệu USD, tăng 8,1% về lượng nhưng giảm 32,2% về trị giá so với năm 2017.
Tương tự, giá XK bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 1.883 USD/ tấn, giảm 15,7% so với năm 2017. Dự báo trong 6 tháng đầu năm 2019, XK cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cà phê toàn cầu ở mức thấp; lượng cà phê XK có khả năng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 do sản lượng giảm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết sản phẩm cà phê XK sẽ tiếp tục đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao với nhiều yêu cầu mới về môi trường, bao gồm cả tiêu chuẩn quốc gia của nước nhập khẩu và tiêu chuẩn tư nhân tự nguyện của các nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, cà phê Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường quốc tế khi các quốc gia khác không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh các thách thức từ hội nhập, ngành cà phê cũng đang phải đối mặt với thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng khô hạn ngày càng tăng, đặc biệt khi mực nước ngầm ngày càng thấp trong thời gian qua và tình trạng khai thác nước ngầm quá mức chưa được giải quyết triệt để.
Với ngành điều, giá trị kim ngạch XK trong năm qua đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 7,8% về lượng nhưng giảm 3% về giá trị so với 2017. Vấn đề lo ngại nhất của ngành này là nguồn cung nguyên liệu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 300.000ha điều, sản lượng trung bình 350.000 – 400.000 tấn điều thô, chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu chế biến trong nước. Do vậy, hàng năm, các nhà máy chế biến điều phải nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn điều thô từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu là châu Phi.
Bà Vũ Thị Đào, Viện Kinh tế Tài chính, cho biết ngành điều Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức khi tốc độ tăng trưởng về sản xuất chưa theo kịp với tăng trưởng của ngành chế biến. Diện tích trồng điều ngày càng bị thu hẹp nhiều.
"Đợt giảm giá trong năm 2018 làm cho giá XK bình quân mặt hàng hạt điều nhân đạt mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây khiến không ít DN lỗ nặng. Để giữ được vị trí XK số một thế giới, ngành này phải chuyển theo hướng giảm lượng tăng chất – bán với số lượng ít nhưng giá bán phải cao hơn", bà Đào khuyến nghị.
Giá XK bình quân cà phê giảm tới 15,7% so với năm 2017 |
Nhanh chóng tái cơ cấu
Nhìn vào các khó khăn trên có thể thấy bên cạnh nguyên nhân khách quan là giá cả thế giới suy giảm do cạnh tranh khốc liệt, vấn đề mà các cây công nghiệp gặp phải chính là diện tích cây già cỗi ngày càng tăng lên, chưa đa dạng sản phẩm, thiếu liên kết trong sản xuất và dự báo thông tin thị trường…
Từ khó khăn của ngành cà phê, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết ngành cà phê cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê bền vững, nhất là triển khai tốt chương trình hỗ trợ vốn cho nông dân thực hiện tái canh (vốn tín dụng, kỹ thuật, tiêu chuẩn, kết nối thị trường).
Bên cạnh đó, ngành cà phê cần rà soát lại các vùng sản xuất, khuyến khích các vùng sản xuất kém hiệu quả, thiếu nguồn nước chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn; đẩy mạnh liên kết các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn, tăng cường đầu tư vào công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị, phục vụ thị trường XK và thị trường tiêu thụ trong nước…
Về dài hạn, ngành hồ tiêu vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhưng Bộ Công Thương cho rằng để nâng cao giá trị các mặt hàng, DN và người sản xuất phải thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Đồng thời, ngành hồ tiêu cần nghiên cứu để gia tăng giá trị sản phẩm bằng cách chế biến chuyên sâu như hương liệu, sản phẩm có dược tính, thực phẩm chức năng.
Để các loại cây công nghiệp phát triển bền vững, vấn đề thông tin thị trường không thể không được chú trọng. Bà Tôn Ngọc Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, chia sẻ cao su và điều là hai loại cây công nghiệp chủ lực của tỉnh này, nhưng do thiếu thông tin dự báo từ cơ quan chức năng nên người dân hiện nay vẫn canh tác theo cách cây nào giá cao thì hùa theo sản xuất, cây nào giá thấp sẽ chặt bỏ.
"Được mùa cao su, người dân đổ xô chặt điều để trồng và ngược lại. Trong khi đó, cây công nghiệp vòng đời vài năm mới có thể thu hoạch, dẫn tới khi giá lên thì người dân không kịp có sản phẩm để bán", bà Hạnh cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp được đảm bảo nhưng phải biết cách khai thác và mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường từ các hiệp định thương mại tự do mang lại như CPTPP, EVFTA…
Muốn vậy, cần tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm sẽ là điều kiện tiên quyết để giữ vững thị trường. Nông nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ… đều hướng đến nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Qua đó, ngành nông nghiệp sẽ mở cửa thị trường, khai thác cơ chế ưu đãi thuế quan và khắc phục các hàng rào kỹ thuật mà của các nước đưa ra.
Lê Thúy
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Các cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền để người dân tập trung sản xuất, chuyên môn hóa nhằm nâng cao chất lượng từng loại cây trồng, hạn chế mức thấp nhất tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà các bộ ngành khác cần phải chung tay. Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam Ngoài 120.000ha cà phê già năng suất thấp đã có chương trình tái canh, nay lại có thêm 100.000ha đến thời kỳ tái canh. Đề nghị Chính phủ cho chủ trương tái canh là công việc thường xuyên khi cà phê đến tuổi phải tái canh thì tái canh. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cho nông dân các tỉnh trồng cây che bóng và xen canh không quá 90 cây ăn quả trong 1ha cà phê. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Năm 2018, toàn ngành đạt mục tiêu tăng trưởng và XK cao. Tuy nhiên, kết quả không được trọn vẹn vì riêng khu vực cây công nghiệp giá thấp, thậm chí có một vài sản phẩm rất thấp, như cao su, hạt tiêu, điều, mía… Trên thực tế, Bộ NN&PTNT đã nhìn thấy từng cây, từng đối tượng, ngành hàng có những điểm yếu gì để trong chương trình tái cơ cấu từng bước khắc phục. |