Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản có sự vươn lên khá mạnh mẽ trong năm 2018, ước tính cả năm sẽ đạt và vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD.
"Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về XK nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới)", Bộ NN&PTNT đánh giá.
Đứng trước hai con đường
Theo Bộ NN&PTNT, trong số các mặt hàng nông sản chủ lực XK của Việt Nam có một số mặt hàng phải chịu áp lực giảm giá mạnh trong năm 2018, nhưng cũng có những mặt hàng có sự tăng giá trên thị trường thế giới, điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản.
Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, khối lượng XK trong 11 tháng ước đạt 5,7 triệu tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 17,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Tiếp đó là rau quả với giá trị XK 11 tháng ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017; cá tra đạt trên 2 tỷ USD, tăng 27,4%.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng phải chịu áp lực giảm giá mạnh, do thị trường nông sản thế giới năm 2018 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước XK khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong khi nhu cầu giảm hoặc tăng trưởng chậm.
Trong 10 tháng đầu năm 2018, XK cà phê tăng 21,3% về lượng nhưng chỉ tăng 0,9% về giá trị do giá cà phê XK chỉ đạt 1.901 USD/ tấn, giảm 16,2% so với năm 2017. Tương tự, mặt hàng cao su tăng 13,4% về lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị; hạt tiêu tăng 7,9% về lượng, giảm 33,4% về giá trị; hạt điều tăng 3,39% về lượng, giảm 3,47% về giá trị so với năm 2017.
Bộ NN&PTNT cho biết, các mặt hàng chủ lực (cà phê, điều và cao su) mặc dù bị giảm giá nhưng nhờ tăng số lượng XK nên Việt Nam vẫn duy trì được kim ngạch XK ở mức cao (XK cà phê 11 tháng ước đạt 3,3 tỷ USD; XK điều đạt 2,25 tỷ USD; cao su đạt 1,87 tỷ USD).
Không chỉ khó khăn về giá cả và nhu cầu, các thị trường XK lớn của Việt Nam ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu. Thị trường Trung Quốc không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường quản lý và siết chặt thương mại biên giới.
Thị trường EU vẫn giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng.
Thị trường Mỹ tiếp tục duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam, tiếp tục chương trình Thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill), đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra hàng nông thủy sản nhập khẩu, gây bất lợi đến tiến độ XK của Việt Nam vào các thị trường này.
Đây vẫn tiếp tục là những khó khăn mà ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt trong năm tới.
Phụ phẩm từ cá tra có thể sản xuất được nhiều sản phẩm có giá trị cao |
Đẩy mạnh đầu tư cho chế biến
Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng ngành nông nghiệp đang đứng trước hai con đường, một là mắc ở thành tích đó, rồi rơi vào vòng luẩn quẩn nếu tiếp tục chạy theo giá thấp, chạy theo số lượng mà quên mất giá trị XK; vượt qua kỷ lục nọ, kỷ lục kia nhưng giá trị thu về rất thấp.
"Chẳng hạn như ngành tôm, Việt Nam đặt mục tiêu XK tôm phải đạt kim ngạch 10 tỷ USD nhưng nhu cầu cả thế giới chỉ có khoảng 18 tỷ USD. Vậy các nước khác có để cho Việt Nam dễ dàng chiếm 10 tỷ không?", ông Sơn đặt vấn đề. Ông Sơn cũng nêu quan điểm: "Nếu hàm lượng công nghệ ít, tức là ngành nông nghiệp đang XK đất, nước, lao động. Chúng ta cạn kiệt tài nguyên vì xuất hết than, cá…, giờ còn xuất lao động, nước, đất đi đâu?".
Mặt khác, nếu chịu chuyển đổi tập trung vào nâng cao giá trị, Ts. Đặng Kim Sơn cho rằng ngành nông nghiệp có thể thu về không phải chỉ có 40 tỷ USD mà có cả trăm tỷ USD nhờ XK, thông qua ứng dụng công nghệ để chế biến sản phẩm và các phụ phẩm.
"Phải đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu công nghệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu và nâng cao chất lượng trình độ lao động nông nghiệp, tức là tập trung đầu tư vào con người", ông Sơn khuyến nghị.
Ông Phan Thanh Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT CPCP Việt Nam Food, cho hay ngành tôm là một ngành trọng điểm của nền nông nghiệp Việt Nam và đang có những bước phát triển. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đạt 10 tỷ USD trước năm 2025 (tăng gấp 3 lần) đề ra là một thách thức lớn, đặc biệt phụ phẩm tôm hiện đang là phân khúc yếu nhất.
Nếu theo định hướng của Chính phủ, đến năm 2025 ước tính cả nước sẽ có hơn 500.000 tấn phụ phẩm tôm. Tùy thuộc vào loại tôm và yêu cầu chế biến, tỷ lệ phụ phẩm tôm chiếm trung bình 35-45% trọng lượng đầu vào. Hiện nay, chỉ có khoảng dưới 10% phụ phẩm tôm được xử lý tạo sản phẩm giá trị gia tăng và phần lớn là xả bỏ hoặc xử lý thiếu định hướng.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết các nhà máy chế biến của Việt Nam đều đạt những tiêu chuẩn, quy chuẩn mà các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU đã đánh giá và công nhận.
Tuy nhiên, mục tiêu là phải chế biến sâu và tăng cường chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng, đặc biệt là phải chế biến hết không để nguyên liệu dư thừa.
Trong thời gian tới, ngành thủy sản cần thiết phải đầu tư khoa học công nghệ, tận dụng một cách tốt nhất nguồn nguyên liệu sẵn có, biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng có thể phục vụ cho con người, phục vụ cho ngành y tế.
Trả lời câu hỏi về việc làm sao giảm bớt giải cứu nông sản, nhất là các sản phẩm trái cây có múi như cam quýt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng giải pháp trước mắt là lấy bài học kinh nghiệm Bắc Giang vừa qua có 3 vạn héc ta vải nhưng nhờ tập trung xúc tiến nên có thể vừa XK, vừa tiêu thụ nội địa, giải được bài toán dư thừa.
Tuy nhiên, về lâu dài, ngành nông nghiệp cũng đang bàn với các địa phương tập trung chế biến và đẩy mạnh XK quả tươi. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng muốn đầu tư vào chế biến nhưng gặp khó vì diện tích khá phân tán.
Lê Thúy
Ông Phan Thanh Lộc - Phó Chủ tịch CPCP Việt Nam Food Phụ phẩm là ngành có tiềm năng vô cùng lớn. Nếu phát triển thành công, phụ phẩm sẽ là một ngành công nghiệp mới có đóng góp tích cực vào cơ cấu toàn chuỗi giá trị và thúc đẩy nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có sẵn sàng để sử dụng và phát huy các nguồn lực này hay không. Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Da cá tra là nguồn nguyên liệu để thu collagen, phục vụ cho khách hàng cao cấp. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy có những phần trong cá tra như bột xương, bột canxi nano hay rất nhiều những sản phẩm từ dầu cá có thể chuyển thành các sản phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng với các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu để có những sản phẩm như vậy. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Muốn chế biến thì phải đồng nhất, ví dụ cam, quýt muốn chế biến phải mỏng vỏ, xơ dày, dai, nếu vỏ dày, tan xơ thì rất khó. Những việc này chúng ta làm từng bước một, Bộ đang tập trung chỉ đạo các viện cùng với các doanh nghiệp và nông dân để làm từng bước. Đây là giải pháp lâu dài. |