Nếu tiếp tục với đà tăng trưởng tốt như hiện nay, xuất khẩu (XK) cà phê của Việt Nam trong năm 2018 có thể sẽ đạt 1,7 triệu tấn với kim ngạch khoảng 3,4 – 3,6 tỷ USD.
Đây là dự báo của ông Nguyễn Nam Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), khi trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Triển lãm quốc tế ngành cà phê (Vietnam Cafeshow 2018) diễn ra ở Tp.HCM ngày 3/5.
Tín hiệu khả quan
Có thể thấy đó là một dự đoán mang tính lạc quan. Bởi lẽ, trả lời phỏng vấn trước đây của hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng XK cà phê trong năm 2018 của Việt Nam có thể nằm ở mức 1,55 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2017. Theo Bộ trưởng, XK khả quan chủ yếu nhờ sản lượng cà phê niên vụ 2017 – 2018 tăng, ước đạt 1,6 triệu tấn, tăng 4,5% so với niên vụ trước.
Số liệu thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2018, XK cà phê Việt Nam tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2017, đạt số lượng hơn 680.000 tấn với kim ngạch khoảng 1,3 tỷ USD.
Ông Hải nhận định với mức giá cà phê hiện tại (trên dưới 37.000 – 38.000 đồng/kg) so với thời gian trước là đang tăng, mức phù hợp, hiệu quả với người nông dân trồng cà phê trong nước.
Theo một số thông tin, giá cà phê quay đầu tăng mạnh nhưng số lượng cà phê hiện còn trữ trong dân chỉ còn 30 – 40%. Nhiều nông hộ đã bán trước đó khi mốc giá mới vượt lên trên 37.000 đồng/kg vì sợ giá sẽ giảm.
Tổng diện tích trồng cà phê của Việt Nam hiện vào khoảng 650.000ha, so với quy hoạch trước đó được cho là có vượt. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận năng suất cà phê Việt Nam dù cao hơn mức trung bình thế giới nhưng trong thập kỷ vừa qua đã không tăng nhiều do vườn cây già cỗi.
Như chia sẻ của ông Hải, trong những năm gần đây, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, người nông dân trồng cà phê cũng đã chuyển đổi sang trồng một số loại cây công nghiệp khác. Do đó, số diện tích cà phê hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng cà phê Việt Nam so với thế giới.
Trong khi đó, gần đây đang tiếp tục có những lo ngại là Việt Nam sẽ tiếp tục XK cà phê giá rẻ, nhất là khi gần một nửa lượng cà phê XK của Việt Nam là đổ sang thị trường Trung Quốc trong quý I/2018 với giá bình quân chỉ vào khoảng 1.933 USD/tấn (giảm hơn 15% so cùng kỳ năm ngoái).
Nếu so sánh sẽ thấy mức giá XK sang Trung Quốc chênh lệch nhiều so với xuất sang một số thị trường khác như Thái Lan, Romania, Israel, Campuchia… (chủ yếu là hàng đã rang xay, hòa tan) với mức giá dao động từ 3.100 USD, 3.700 USD đến 4.000 USD.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2018 được dự báo có thể đạt 1,7 triệu tấn |
Nỗi lo giá rẻ
Một điểm đáng chú ý, riêng hai tháng đầu năm nay, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 13,2% lên 45,5%. Hơn một nửa trong tổng kim ngạch cà phê Việt XK sang thị trường này là cà phê Robusta chưa rang, chưa khử caffein đóng bao, phần còn lại là các sản phẩm cà phê đã rang xay, hòa tan uống liền, 3 trong 1…
Giới chuyên gia cho rằng XK cà phê của Việt Nam đã không tận dụng được hết các cơ hội thị trường để tạo thêm giá trị và trong một số trường hợp đã không truyền tải được tác động chuyển đổi tới nông dân.
Cà phê XK Việt Nam được bán với giá rẻ nhờ một số yếu tố như chất lượng và mức độ an toàn sản phẩm thấp, không ổn định; tâm lý lo ngại đối với các nhà cung cấp Việt Nam không hoàn thành hợp đồng; cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà XK của Việt Nam, tạo điều kiện cho khách hàng như Trung Quốc dìm giá.
Điều đáng nói là cà phê cũng như phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không được biết đến bởi người tiêu dùng nước ngoài. Nguyên liệu giá rẻ từ Việt Nam được trộn lẫn với các sản phẩm từ nước khác. Chẳng hạn, cà phê Robusta Việt Nam được trộn lẫn với cà phê Arabica từ châu Phi hoặc Mỹ La-tinh để tạo ra nhiều sản phẩm cà phê hòa tan khác nhau được tiêu dùng tại châu Âu và Bắc Mỹ.
Phó Chủ tịch Vicofa Nguyễn Nam Hải thừa nhận rằng điểm yếu của ngành cà phê Việt là chỉ tập trung vào XK cà phê nhân, còn mảng tiêu thụ nội địa và các thương hiệu cà phê chế biến sâu lại chưa phát triển mạnh. Trong khi đó, dự thảo của Bộ Tài chính về áp thuế 10% thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm cà phê hòa tan đóng gói khiến các DN trong lĩnh vực này gặp áp lực.
Vì vậy, để động viên phát triển sản phẩm cà phê chế biến sâu, thời gian qua, phía Vicofa đã có kiến nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào những sản phẩm mang tính khuyến khích các DN như đối với cà phê chế biến.
Với các thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam như Vinacafe, Trung Nguyên…, trong tương lai, để người tiêu dùng biết đến và có thể cạnh tranh được với các thương hiệu cà phê lớn trên thế giới, cũng phải không ngừng vận động và đổi mới phương thức tiếp thị đối với nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là chất lượng phải đáp ứng được thị hiếu của từng thị trường XK.
Thế Vinh