Trên thực tế, trong 10 năm qua, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP thay đổi không lớn, năm 2005 là 31,8%, năm 2010 là 25,9%, năm 2015 là 27,8%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng (bình quân 11,3%/ năm giai đoạn 2006- 2010 lên 15,1%/năm giai đoạn 2011-2015) song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa khi so sánh với một số nước trong khu vực cùng thời kỳ.
Kém xa nhiều nước trong khu vực
Kinh nghiệm của một số quốc gia công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp có đặc trưng tốc độ tăng trưởng rất cao: đều có tốc độ tăng trưởng hơn 30%/năm, cao gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 của công nghiệp Việt Nam.
Theo xếp hạng về năng lực cạnh tranh công nghiệp của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), năm 2016, Việt Nam xếp hạng 50/141 nước được xếp hạng, tăng 44 bậc so với bảng xếp hạng năm 1990. Tuy nhiên, so với các nước ASEAN (trừ Lào và Myanmar không tham gia xếp hạng), Việt Nam chỉ đứng trên Philippines và Campuchia, kém xa các nước khác.
Báo cáo của UNIDO đánh giá khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp. Phần lớn các mặt hàng công nghiệp Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ.
Đáng chú ý, số lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực Việt Nam có lợi thế so sánh đang có xu hướng giảm: Năm 2001 là 10 sản phẩm, năm 2010 tăng lên 16, song đến năm 2014 giảm xuống chỉ còn 14 sản phẩm. Trong đó, nhiều sản phẩm mặc dù có lợi thế so sánh, song đóng góp vào giá trị gia tăng ngành công nghiệp lại ở mức thấp. Các ngành công nghiệp chủ lực xuất khẩu (XK) chủ yếu mới tham gia vào khâu gia công, lắp ráp.
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp XK. Cụ thể, các ngành công nghiệp XK chủ lực như dệt may, da giày, điện tử nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu.
Đối với chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, Việt Nam hiện chủ yếu mới tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng – khâu được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất với tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5-10%.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết trong số các ngành ưu tiên theo xác định của Chính phủ, có 5 ngành công nghiệp ưu tiên có tốc độ tăng trưởng khá cao là dệt may, da giày, hóa chất, thép và điện tử.
Tuy nhiên, theo ông Bình, các ngành công nghiệp này chỉ thực sự tham gia được ở một vài khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất, trong khi nguồn lực nhà nước hỗ trợ các ngành này thông qua ưu đãi về thuế là khá lớn.
Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên khác không đạt mục tiêu đã đề ra như ngành cơ khí đến năm 2015 mới đáp ứng 32,5% nhu cầu trong nước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 45-50%; ngành công nghiệp ôtô đến năm 2016 có tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi mới đạt bình quân khoảng 7-8% trong khi mục tiêu đến năm 2005 là 40%, đến năm 2010 là 60%. Ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản chủ yếu là XK sản phẩm thô hoặc sơ chế là chủ yếu; ngành công nghiệp đóng tàu gặp nhiều khó khăn, riêng Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy thua lỗ 7,3 nghìn tỷ đồng năm 2015, vốn chủ sở hữu vẫn âm 54.000 tỷ đồng…
Trong khi đó, thống kê của Ban Kinh tế Trung ương cho thấy tổng số tiền ưu đãi thuế đối với các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn từ năm 2007 – 2016 lên tới 141.753,974 tỷ đồng.
Trong số các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, ngành sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40% trong tổng số tiền ưu đãi thuế trong giai đoạn 2007-2016. Tiếp đó là ngành hóa chất với tỷ trọng ưu đãi là 14%, ngành chế biến thực phẩm 9,14%….
Đồng thời, tổng số tiền ưu đãi thuế đối với ngành công nghiệp hỗ trợ từ năm 2015-2016 là 8.846,831 tỷ đồng (năm 2015: 4.506,060 tỷ đồng, năm 2016: 4.340,771 tỷ đồng), trong đó ngành điện tử chiếm tương ứng 43% và 42%; ngành dệt chiếm 19,5% và 22,5%; ngành may chiếm 7,4% và 6%…
Mặc dù có sự ưu đãi và hỗ trợ lớn từ Nhà nước, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển vẫn không đạt mục tiêu đề ra |
Ưu tiên có trọng điểm
Theo ông Bình, sở dĩ xảy ra tình trạng này một phần là do chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và công nghiệp mũi nhọn còn quá dàn trải, nhiều khi duy ý chí. Chính sách phát triển công nghiệp của nhiều địa phương còn hình thức, chưa phù hợp với lợi thế so sánh, thiếu sự phối hợp dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến quy hoạch công nghiệp của vùng, của quốc gia. Đồng thời chưa có các chính sách đủ mạnh để chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng gia tăng các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Vì vậy, thời gian tới cần lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc, dựa trên kết quả phân tích khách quan lợi thế của đất nước, là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các ngành công nghiệp ưu tiên phải theo cơ chế thị trường, tuân thủ các điều khoản cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, có thời hạn cụ thể (trung bình là 5 năm, không nên quá 10 năm).
Đầu tư của Nhà nước vào các ngành công nghiệp ưu tiên chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia, tránh dàn trải trong lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên, bảo đảm đủ các nguồn lực cần thiết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng nếu Việt Nam không cải tiến công nghệ và dịch chuyển nhanh sang các ngành công nghiệp công nghệ cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì khó có cơ hội để cải thiện tốc độ tăng trưởng.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ngành công thương sẽ tập trung đổi mới và nâng cấp nền sản xuất hiện đại, bằng việc tận dụng cơ hội và hấp thu nhanh chóng xu hướng phát triển mới. Trong đó, xây dựng chiến lược phát triển ngành giai đoạn đến 2030, định hướng lại các ưu tiên trong phát triển ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi để DN phát triển. "Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng nếu Việt Nam muốn có nền công nghiệp 4.0, đầu tiên phải có môi trường pháp lý 4.0", ông Hải nhấn mạnh.
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup phụ trách dự án VinFast, cho rằng muốn sản xuất hiệu quả cần có máy móc thiết bị để thực hiện, nhưng quan trọng nhất là quy trình phải rõ ràng trong từng công đoạn và luôn luôn được đổi mới. Cùng với đó, DN và Nhà nước phải quan tâm đặc biệt tới nguồn nhân lực, vì máy móc hiện đại đến mấy vẫn cần con người điều chỉnh.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua mang hình hài quả mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá và đã đến lúc buộc phải thay đổi. Ông Nguyễn Thanh Cường - Công ty CP In và Bao bì Goldsun Để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, trước hết bản thân DN cần kiên trì, quyết tâm cao, từng bước đi lên vững chắc và cần phải có sự đồng bộ trong tất cả các khâu, từ máy móc, kỹ thuật công nghệ cao đến tay nghề người lao động. Trong đó, nguồn nhân lực cần phải được đào tạo cơ bản, có kỹ năng tốt, có tác phong công nghiệp cao. Ông Nguyễn Văn Bình, - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh thấp, Việt Nam đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, hiện đang đối diện với nguy cơ hậu công nghiệp hóa quá sớm. |