Ở Tp.HCM, trong quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được công bố gần đây có một số điểm đáng chú ý là chuyển đổi công năng của chợ, sẽ không phát triển thêm, xây mới đối với chợ bán lẻ khu vực nội thành và đưa hạ tầng logistics lên vai trò nền tảng, tạo sự ổn định, tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành thương mại…
Song song đó, mục tiêu là nâng tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị…) trong hai năm tới đạt tối thiểu 40%, đến năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%.
Hấp lực cửa hàng, đại lý
Liệu những quy hoạch thương mại ở Tp.HCM có ảnh hưởng đến chiến lược phát triển thương mại của các địa phương khác khi thành phố này đang có số lượng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) nhiều nhất cả nước – chiếm 3% số lượng chợ, 25% số siêu thị và khoảng 23% TTTM, đặc biệt khi đây là cầu nối đưa hàng hoá đến với người tiêu dùng (NTD) ở Tp.HCM và cả nước.
Trường hợp Saigon Co.op hay Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) là ví dụ điển hình khi muốn nói về quy hoạch hạ tầng thương mại ở Tp.HCM. Tại Saigon Co.op, như chia sẻ của Tổng Giám đốc Nguyễn Thành Nhân, để đáp ứng theo xu hướng mua sắm của NTD, Saigon Co.op đang xây dựng hạ tầng kênh mua sắm online, đầu tư công nghệ, xây dựng mạng lưới mua sắm trực tuyến nhằm đưa hình thức mua sắm online trở thành kênh mua hàng quen thuộc.
Hoặc như Satra, với lợi thế đang sở hữu chợ đầu mối nông sản thực phẩm hàng đầu cả nước là chợ Bình Điền, công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan, chuỗi cửa hàng tiện lợi Satrafood, công ty thủy sản Cofidec…, doanh nghiệp (DN) này luôn ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ (siêu thị, cửa hàng, TTTM).
Trong đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi Satrafood được cho là kênh phân phối trọng yếu nhằm tiêu thụ hàng hóa của các đơn vị thành viên Satra nói riêng, hàng Việt Nam nói chung và các sản phẩm liên kết. Thậm chí, Satrafood còn mạnh dạn đặt mạng lưới bán lẻ ngay tại vùng nguyên liệu và tìm kiếm những chiêu thức kinh doanh chú trọng đến sự khác biệt, đặc biệt là sự khác biệt về chất lượng nhằm thu hút khách hàng.
Gần tương tự như cửa hàng tiện lợi, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận định các cửa hàng chuyên hay cửa hàng tạp phẩm gia đình bán giá sỉ, cửa hàng đại lý vẫn còn là ưu tiên lựa chọn của NTD do những lợi thế riêng.
Theo bà Hạnh, tùy theo đặc điểm từng ngành hàng mà các kênh phân phối có ưu thế khác nhau, nhưng theo kết quả khảo sát NTD trong năm nay cho thấy các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn sức hút đối với NTD, tuy sức mua có giảm và đã xuất hiện xu hướng chuyển dịch sang các kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện ích hay cửa hàng tiện lợi).
Các cửa hàng chuyên hay cửa hàng đại lý vẫn là ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng |
Rà soát quy hoạch
Xu hướng chuyển dịch xảy ra chủ yếu từ kênh bán lẻ truyền thống là chợ hoặc tiệm tạp hóa nhỏ lẻ sang các kênh bán lẻ hiện đại. Khác với những nhận định 5 – 10 năm trước, hiện nay, theo nhiều chuyên gia, xu hướng chuyển dịch này là tất nhiên.
Lý do chính yếu không phải bởi các kênh bán lẻ hiện đại hút khách (tức không phải hoàn toàn là bởi lý do giành được khách hàng của các kênh bán lẻ truyền thống), mà là vì sự tăng trưởng về độ phủ của các kênh bán lẻ hiện đại.
Cho nên số lượng khách hàng tăng theo cơ học chứ không phải tăng lượng khách tại từng đơn vị. Có thể thấy, kênh bán lẻ truyền thống nói chung vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, với 65% NTD chọn mua sản phẩm.
Trong khi đó, trong báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, phát triển hạ tầng thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018. Theo đó, sẽ tập trung vào quy hoạch không gian phát triển một số hệ thống hạ tầng thương mại trọng yếu như chợ (đặc biệt là chợ nông thôn), siêu thị, TTTM, trung tâm logistics, trung tâm kho-bán buôn.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo này là Bộ Công Thương muốn rà soát loại bỏ một số quy hoạch ngành hàng không cần thiết. Đồng thời sẽ rà soát quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn hạ tầng thương mại đô thị cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trước hết là cần rà soát, sửa đổi Luật Thương mại theo hướng bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan.
Cần nhắc lại, việc gần đây tạm dừng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối do có nhiều quy định trói buộc DN bất hợp lý dẫn đến phát sinh điều kiện kinh doanh, giấy phép con chính là bài học để cơ quan hoạch định chính sách rút kinh nghiệm nhằm không lặp lại những sơ suất, rào cản khi đề ra các chính sách liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh sẽ rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại theo hướng tạo đồng bộ, thuận lợi cho phát triển các loại hình kết cấu thương mại, đặc biệt là tại khu vực nông thôn.
Thế Vinh