Đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại giá rẻ
Gs. Đặng Hùng Võ Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT |
Chúng ta cần nhìn thẳng một sự thật là cả NƠXH và nhà ở thương mại giá rẻ – hiện đều chưa động viên được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước. Hệ quả là những dự án phát triển NƠXH bị hụt hơi ngay sau khi gói tín dụng ưu đãi kết thúc.
Thực tế, tôi thấy phát triển nhà ở thương mại giá rẻ mới là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân. Mặt khác, chúng ta cần tìm mọi cách động viên nhiều nguồn lực, chứ không nên nhìn vào sự trợ giúp của Nhà nước.
Nếu Nhà nước tập trung xây dựng cơ chế miễn, giảm một số loại thuế liên quan đến kinh doanh bất động sản như thuế VAT, thuế thu nhập DN đối với loại hình nhà ở này, giá thành chắc chắn sẽ còn giảm sâu.
Bên cạnh đó, cần hình thành các quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên sự đóng góp của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, của các tổ chức xã hội và của các cá nhân.
Luật Đất đai năm 2013 cần được sửa đổi để đảm bảo cho các tổ chức kinh tế có quyền sử dụng đất ở lâu dài để giải quyết nhà ở cho người lao động.
Đặc biệt, cần tiếp tục đàm phán vay ODA để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại giá rẻ. Đồng thời kêu gọi, động viên nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường này.
Cần khơi thông nguồn vốn cho nhà ở xã hội
Ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS |
Hiện nay, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2020, tại các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và khoảng 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở.
Đến năm 2020, Việt Nam cần xây dựng thêm 12,5 triệu m2 nhà ở để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp đô thị và công nhân khu công nghiệp (KCN).
Trong bối cảnh chưa có gói hỗ trợ nào tương tự gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng xuất hiện, cũng chưa có nguồn tiền nào để thực hiện cho vay ưu đãi theo Luật Nhà ở đã quy định, theo tôi nên tập trung vào ba giải pháp cần kíp.
Thứ nhất, cần huy động nguồn lực tối đa từ các tổ chức trong và ngoài nước cũng như trong nhân dân. Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương trong việc phát triển NƠXH, qua đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia vào phát triển NƠXH.
Thứ hai, để phát triển NƠXH với giá cả phù hợp với khả năng chi trả của đối tượng thu nhập thấp, cần có giải pháp giảm các chi phí đầu tư xây dựng trong giá thành.
Thứ ba, cần tiếp tục nâng cao chất lượng NƠXH theo hướng bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như hạ tầng giao thông, điện nước, y tế, giáo dục, văn hóa…
Năm 2019, đề nghị các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung thêm nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại đã được chỉ định để có đủ nguồn vốn cho vay ưu đãi theo luật định.
Đây mới là giải pháp “sâu rễ bền gốc” để tạo đà tăng được nguồn cung về NƠXH.
Rà phanh tín dụng và cơ hội phát triển thực chất
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam |
Năm 2019 chỉ có hai vấn đề nguy cơ, nhưng hai nguy cơ này cũng có thể biến thành cơ hội.
Thứ nhất, tín dụng năm 2019 trong ngắn hạn có ảnh hưởng do sự “rà phanh” của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng bên cạnh đó có điểm tốt là thanh lọc doanh nghiệp bất động sản yếu kém, “sống” chủ yếu dựa vào nguồn vốn từ ngân hàng. Các doanh nghiệp lớn trên cơ sở tiềm lực sẵn có sẽ tiếp tục phát triển.
Thứ hai, vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt là thừa hưởng dịch chuyển dòng vốn của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, trong đó tỷ trọng đầu tư BĐS lớn.
Năm 2019, dự báo phân khúc căn hộ chung cư là chủ đạo của thị trường. Tuy nhiên cả ba dòng phân khúc: cao cấp, siêu cao cấp – trung cấp – giá rẻ đều phát triển đồng bộ.
Nếu như trước đây, phân khúc cao cấp – siêu cao cấp khó thanh khoản nhất thì nay – khi FDI tăng, lượng khách hàng có thu nhập tốt trong nước và số lượng người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam cũng sẽ tăng, khiến thị trường này dự báo sẽ chuyển động tích cực.
Phân khúc nhà ở bình dân trước nay đều tập trung khai thác các vị trí thuế đất rẻ có nhược điểm xa trung tâm nên kết nối hạ tầng giao thông yếu, hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng nhu cầu đời sống mới.
Như vậy, phân khúc bình dân cần đẩy mạnh các điều kiện về hạ tầng hơn nữa để tăng tính hấp dẫn.
Nhà đầu tư phải cạnh tranh thu hút khách hàng
Ông Bùi Quang Tuấn, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư phát triển TNI Holdings Việt Nam |
Chính sách và xu hướng dịch chuyển vĩ mô toàn cầu, trong đó nổi bật là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tạm thời “đình chiến” trong thời gian 90 ngày kể từ 1/12/2018 ảnh hưởng lớn đến các dòng dịch chuyển liên quan đến thị trường vốn, thị trường sản xuất và thị trường tiêu thụ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến luồng đầu tư FDI đang định hướng triển khai tại Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh giữa các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN tới đây chủ yếu xoay quanh vị trí địa lý, sự thuận tiện trong tiếp cận dịch vụ của các KCN. Tất nhiên, chỉ số cạnh tranh vùng không nằm ngoài các yếu tố đó…
Để mở đường cho sự phát triển bền vững, ngay từ năm 2019, các nhà đầu tư cần tập trung chính sách đối với các khách hàng truyền thống, đồng thời có chính sách ưu việt hơn để thu hút các khách hàng tiềm năng.
Cần quy định rõ ràng về tính pháp lý của condotel
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE |
Năm 2018, phân khúc condotel tăng trưởng chậm lại so với năm 2016 và 2017, nhưng vẫn tăng trưởng trên 20%, mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á.
Việc Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc khu ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Do đó, ngay trước thềm năm mới 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bước vào giai đoạn phân hóa rõ rệt.
Vấn đề quan trọng nhất vẫn là tính pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng, thiếu các quy định rõ ràng. Trong năm qua, đã có nhiều hội thảo của các cơ quan góp ý để condotel phát triển bền vững hơn. Tính pháp lý về sở hữu đề ra có thể 50 năm, có thể vĩnh viễn… Tuy nhiên, mọi vấn đề đến nay vẫn đang bỏ ngỏ.
Minh Sơn