Nghị định 95/2021 sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được Chính phủ quy định, trong đó có điểm mới là từ ngày 2/1/2022, giá bán lẻ xăng dầu trong nước mỗi tháng điều chỉnh 3 lần, tức 10 ngày một lần thay vì 15 ngày như hiện nay.
Sốt ruột vì lỗ, doanh nghiệp phấn khởi vì quy định mới
Vừa đọc được thông tin trên, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch Công ty Xăng dầu Tự Lực I bày tỏ rất vui khi chia sẻ với VnBusiness. Theo ông, điều này có lợi cho đầu mối nhập khẩu, hệ thống bán lẻ và cả người tiêu dùng.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước mỗi tháng điều chỉnh 3 lần, tức 10 ngày một lần thay vì 15 ngày. |
Hiện nay, giá xăng dầu thế giới biến động hàng ngày nhưng doanh nghiệp phải chờ đến đúng 15 ngày mới được điều chỉnh tăng hoặc giảm, giờ xuống 10 ngày sẽ giúp giá của Việt Nam tiệm cận với biến động của thế giới.
Theo ông Tiu, khi giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh, doanh nghiệp không bán được hàng vẫn phải "nuôi" cả hệ thống, giờ nhu cầu thị trường xăng dầu đã phục hồi 80 - 90% so với thời điểm trước dịch thì doanh nghiệp lại đứng trước nguy cơ thua lỗ, do chiết khấu thấp, càng bán nhiều thì càng lỗ nhiều.
Cụ thể, các đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu giảm chiết khấu rất mạnh. Theo đó, doanh nghiệp của ông Tiu chỉ được chiết khấu 200 đồng/lít/kg với mặt hàng dầu, 400 đồng/lít với mặt hàng xăng (chưa tính chi phí vận chuyển).
"Sau khi trừ đi chi phí vận chuyển thì doanh nghiệp còn được lời 100 đồng/lít/kg, không đủ bù đắp chi phí vận hành", ông Tiu nói.
Nhìn nhận việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu là điểm hoan nghênh trong Nghị định, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng giá xăng dầu Việt Nam sẽ linh hoạt hơn so với biến động của thị trường thế giới, tránh có độ trễ trong việc điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Độ cho rằng Nhà nước cần tạo lập một thị trường cạnh tranh để cơ quan quản lý không cần can thiệp vào giá cả xăng dầu, tự thị trường quyết định.
Bên cạnh đó, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu - vốn luôn được dư luận đặt ra là giữ hay bỏ trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở Nghị định mới ban hành thì Quỹ vẫn được duy trì. Ông Độ đánh giá, quy mô của Quỹ có hạn nên chỉ can thiệp vào thị trường xăng dầu khi biến động nhẹ, còn với mức tăng giá như thời gian vừa qua thì không có tác dụng nhiều.
Vẫn chờ thị trường cạnh tranh
Theo đó, tương lai cần xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh, theo hướng bỏ sự can thiệp của Nhà nước trong việc điều hành giá thông qua Quỹ Bình ổn giá.
Chuyên gia Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, để làm được điều này thì phải có thị trường xăng dầu cạnh tranh, với số lượng đông đảo doanh nghiệp tham gia, thị phần không bị chi phối. Hiện nay, thị phần của Petrolimex vẫn chiếm rất lớn - khoảng 50% trong ngành xăng dầu - rõ ràng chưa có sự cạnh tranh thì không thể bỏ sự can thiệp của Nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Độ cho rằng chúng ta vẫn chưa thể mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu. Trong khi đó, quan điểm của ông nhìn nhận đây là điểm nên làm, điều này sẽ giúp thị trường xăng dầu tại Việt Nam tốt hơn, có lợi cho người tiêu dùng.
Tại Nghị định về kinh doanh xăng dầu mới ban hành, Chính phủ yêu cầu các thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt góp vốn hoặc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu có hoạt động sản xuất xăng dầu nếu có nhu cầu chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Thực tế, đã có thời điểm Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 đưa thêm quy định ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, sau đó, quy định này cũng vấp phải nhiều tranh cãi. Thời điểm đó, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề cập tới lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính hoàn toàn có thể thâu tóm hệ thống phân phối xăng dầu trong nước, có nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia, an ninh kinh tế của đất nước. Đặc biệt, đối với hệ thống cửa hàng xăng dầu nằm tại khu vực biên giới còn ảnh hưởng lớn tới công tác an ninh quốc phòng nước ta.
Hơn nữa, ông Lộc An nhìn nhận khi nhà đầu tư nước ngoài có khả năng can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong nước, Chính phủ, cơ quan điều hành sẽ gặp phải khó khăn trong trường hợp điều hành giá xăng dầu khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bị âm.
Câu chuyện một lần nữa lại quay lại sự tồn tại của Quỹ Bình ổn, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhìn nhận, tương lai cần bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ Bình ổn giá, tính minh bạch, công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu Nhà nước vẫn điều hành giá xăng dầu thì bỏ Quỹ Bình ổn rất khó, muốn bỏ thì phải để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Ông Long cho biết bản chất của Quỹ là người tiêu dùng ứng ra, để lại cho doanh nghiệp giữ nhằm bình ổn thị trường khi giá tăng. Song giờ nguồn dư cạn kiệt thì việc bình ổn xem ra khó khả thi.
Lê Thúy