Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 3 và quý I cơ bản được giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm được các cân đối lớn.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đan xen thuận lợi, thời cơ, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, tình hình kinh tế - xã hội nước ta cơ bản vẫn đạt được kết quả đáng kể trong tháng 3 và 03 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm đã được Đảng, Quốc hội thông qua. Lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức phù hợp; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần, tháng 01 tăng 4,89%, tháng 02 tăng 4,31%, tháng 03 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý I tăng 4,18%. Với sự nỗ lực, phấn đấu, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm có thể đạt được; tuy nhiên, cần tiếp tục lưu ý chỉ số lạm phát cơ bản quý I.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết đạt được, do diễn biến ngày càng bất lợi, khó lường của thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (kịch bản là 5,6%).
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động quý I đạt gần 57 nghìn doanh nghiệp (giảm 5,4% so với cùng kỳ), thấp hơn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (trên 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ).
Điều hànhgiá chịu áp lực do năm 2023 trong bối cảnh dự kiến điều chỉnh giá điện, y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, cộng hưởng với việc điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tác động lớn đến lạm phát.
Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ KH&ĐT cập nhật 02 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%). Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 05 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 05 năm là 6,5%.
Kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP).
Theo Bộ KH&ĐT, đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Bộ KH&ĐT kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 05 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.
Bộ KH&ĐT khuyến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ...
Chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay; giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
"Chủ động nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân đổ vỡ của các các ngân hàng tại Mỹ, sáp nhập ngân hàng tại Thụy Sỹ, đánh giá tác động tới hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nước ta, từ đó chủ động chuẩn bị các nhiệm vụ, giải pháp và kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng khuyến nghị, điều hành giá thận trọng, xác định thời điểm, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, tránh giật cục, tác động cộng hưởng đến giá hàng hóa, dịch vụ khác. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết, nhất là khi điều chỉnh giá các nhóm hàng giá điện, nước, y tế... Chính sách về thương mại tranh thủ cơ hội xuất khẩu của từng mặt hàng, từng thị trường; thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Thy Lê