Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan có chính sách hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp hàng không; có chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải thủy nội địa; xem xét tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Bộ GTVT cũng kiến nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố gia hạn giảm phí, lệ phí hàng hải, phí sử dụng công trình hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng.
Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. |
Các doanh nghiệp vận tải hàng hải và đường thủy kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ tháng 3 cho đến khi giá dầu thế giới bình ổn trở lại mức dưới 80 USD/thùng, điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng xuống 5%-6% đến hết quý 2 thay vì 10% như hiện nay.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Bùi Danh Liên - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho hay xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí, do vậy việc tăng giá tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải, đặc biệt vận tải hành khách.
Ông Liên nói rằng, dịch bệnh COVID-19 khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng, không có khách đi xe, chịu lỗ rất lớn, đến nay mới bắt đầu phục hồi lại tăng giá xăng dầu.
"Tăng là bắt buộc do giá dầu thế giới tăng nhưng rõ ràng các doanh nghiệp vận tải đang trong cảnh "khó chồng khó"", ông Liên nói.
Nhiều doanh nghiệp vận tải than việc tăng giá xăng dầu cùng với dịch bệnh COVID-19 làm cho doanh nghiệp "khó khăn chồng khó khăn". Bởi, lượng khách đi xe rất ít, phải cắt giảm xe, nhân sự nên giá xăng dầu tăng nhưng chưa dám tính đến tăng giá vé.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp vận tải đang tiếp tục tìm cách cắt giảm tối đa để giảm lỗ, đảm bảo hoạt động. Các doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét việc chi thêm từ quỹ bình ổn và xem xét giảm thuế nhập khẩu để giữ ổn định giá xăng dầu trong thời điểm này.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại của người dân rất thấp. Giá xăng, dầu lại tăng, nên để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Giá cước tăng cao cũng sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành. Dự đoán, các doanh nghiệp sẽ tăng giá cước khoảng 4-5%.
Xăng, dầu chiếm gần 40% cơ cấu giá thành vận tải. Giá xăng, dầu càng tăng cao tỷ lệ này càng lớn và doanh nghiệp sẽ không có lãi. Trước mắt, các doanh nghiệp vận tải cho biết, vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ thương lượng điều chỉnh giá cước vận chuyển theo tỷ lệ tăng của xăng, dầu. Dù lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận chạy để giữ thị trường, giữ khách hàng, lái xe và trang trải các chi phí vay vốn ngân hàng.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ GTVT có những động thái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh giá xăng dầu leo thang và ngành này gặp khó khăn vì Covid-19. Năm ngoái, để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trực tiếp làm tổ trưởng tổ công tác.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông vận tải có nhiệm vụ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan; đồng thời tích cực nắm bắt, trao đổi, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân về lĩnh vực giao thông vận tải. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ, vấn đề cấp bách, phát sinh trong hoạt động vận tải; chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”.
P.V