Vừa qua, Bộ GTVT đã cho phép thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh, áp dụng từ ngày 13-20/10/2021. Tuy vậy, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN), nhà xe vận tải hành khách vẫn chưa dám khởi động.
Vừa mừng, vừa lo
Chia sẻ với VnBusiness, ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên (Quảng Ninh), cho hay, DN mong ngóng từng ngày để hoạt động vận tải được trở lại bình thường, vì 200 đầu xe đang nằm không. Tuy nhiên, DN cũng lo lắng về câu chuyện sắp tới sẽ hoạt động thế nào.
Nhu cầu đi lại thấp trong khi phải đáp ứng nhiều quy định khiến nhiều doanh nghiệp vận tải chưa muốn khởi động lại. |
Đầu tiên là những bất cập về quy định đối với Quảng Ninh, lái xe phải tiêm 2 mũi vắc xin - song đến giờ cơ bản lái xe mới tiêm được 1 mũi. Mặt khác, khó khăn cho hành khách là muốn vào Quảng Ninh thì theo quy định chung của tỉnh, từ vùng dịch nếu tiêm 1 mũi phải cách ly tập trung. Do vậy, dù nhà xe có hoạt động trở lại thì cũng rất ít khách.
Chưa kể, ông Xuyên cho biết DN còn đối mặt với việc chi phí tăng cao như xét nghiệm cho lái xe rất đắt. Nhà xe không chạy thì mất uy tín với khách hàng, nhưng chạy mà chỉ có lèo tèo một vài khách thì còn lỗ nặng hơn.
"DN đang đối mặt với bài toán chạy thế nào, bù lỗ ra sao, nguồn nào để bù lỗ. Chúng tôi không thể thu đắt tiền vé so với ngày thường được. Nếu được phép tăng giá thì cũng chỉ gấp rưỡi là cùng, chứ gấp 2-3 thì ai cho phép?", ông Xuyên nói và cho biết các xe khách chạy vẫn cần đảm bảo tiêu chuẩn 5K, số chỗ ngồi được bố trí giãn cách, một xe chỉ tầm 15-20 khách. Trong khi đó, người dân cũng không có nhu cầu đi lại quá nhiều trong giai đoạn này. Tư đó dẫn đến DN không chạy thì lỗ ít, chạy lỗ nhiều hơn.
"Sau 20 năm hoạt động dịch vụ vận tải hành khách, chưa khi nào DN gặp khó khăn như 2 năm qua khi phải ngừng hoạt động kéo dài, tình hình tài chính đã kiệt quệ. Bây giờ được mở lại hoạt động, DN xác định sẽ lỗ chứ không thể có lãi nhưng vẫn phải chạy vì thương hiệu, uy tín, đặc biệt là tạo việc làm để giữ chân người lao động", ông Xuyên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, việc mở lại tuyến vận tải liên tỉnh rất cần thiết khi mà vừa qua tới gần 90% phương tiện vận tải đường bộ phải dừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình tài chính của DN. DN không có nguồn thu trong khi phải tốn chi phí duy trì bộ máy quản lý, phí kiểm định, bảo hiểm phương tiện, lưu bãi...
Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, hiện nay, do các quy định phòng chống dịch còn khá nghiêm ngặt nên số lượng khách đi lại giữa các địa phương rất ít, chỉ hành khách thực sự có nhu cầu mới đi.
Nhiều ý kiến của DN vận tải hành khách phản ánh, đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc đã được chữa khỏi COVID-19 thì việc yêu cầu thêm điều kiện xét nghiệm để được đi xe khách là không cần thiết.
Thực thi phải thống nhất
Trước những phản ánh trên, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, hoạt động vận tải đường bộ có đặc thù, khác với đường hàng không, hơn nữa có tính phân tán của tổ chức vận tải. Người đi phương tiện vận tải đường bộ nhiều khi không tập trung tại điểm đón và điểm trả. Vì vậy, trong vận tải đường bộ có sự thận trọng và phức tạp hơn quản lý vận tải.
Ngành đường bộ đã thí điểm từ triển khai từ ngày 13-20/10,. cho đến hiện nay, số lượng địa phương đang triển khai là hơn 20 tỉnh, thành phố đã hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh.
"Đến ngày hôm qua (17/10) đang có 47 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh hoạt động nhưng số lượng người dân sử dụng thì còn khiêm tốn. Chúng ta mong mỏi nhưng phải an toàn, nên việc người dân tiếp cận lại hoạt động vận tải đường bộ còn nguy cơ nhất định. Người dân đang từng bước tiếp cận theo hình thức bình thường mới", bà Hiền cho hay.
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong thực tế, người dân và DN mong mỏi được đi lại bình thường, nhưng với tình hình dịch bệnh vừa qua, số lượng người mắc bệnh, tử vong do COVID-19 là lời cảnh báo cho xã hội để thận trọng hơn trong việc đi lại.
Sau thí điểm, Tổng cục Đường bộ sẽ tiếp tục tổng kết, đánh giá xem cần điều chỉnh như thế nào với quy định đã được đưa ra tại Quyết định số 1777/QĐ-BGTVT. Nhìn chung, yếu tố tiên quyết với vận tải đường bộ vẫn là điều kiện y tế đi lại chứ đường sá, phương tiện không phải là rào cản.
"Trong ngày hôm nay (18/10) và ngày mai, Tổng cục Đường bộ sẽ tiếp nhận thông tin để tổng kết thời gian thí điểm để có căn cứ triển khai cho thời gian tiếp theo. Tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi nhất về đi lại cho người dân và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh", bà Hiền nhấn mạnh.
TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân thì việc mở lại các tuyến vận tải hành khách rất cần thiết, tuy nhiên vẫn phải đặt mục tiêu phòng, chống dịch lên hàng đầu. Vì vậy, nhân viên lái xe và người dân khi sử dụng dịch vụ xe khách phải thực hiện các quy định phòng, chống dịch một cách nghiêm túc.
Tuy nhiên, ông Phu cũng nhấn mạnh khi đưa ra các quy định việc thực thi phải thống nhất, không để xảy ra tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu. Do đó, cần hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện của các địa phương; kịp thời chấn chỉnh các trường hợp thực hiện chưa đúng quy định.
Thy Lê