Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Để hỗ trợ cho đối tượng trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe vận tải hàng hóa, 30% đối với xe kinh doanh vận tải hành khách.
Hiện vận tải khách đường bộ mới chỉ được phép hoạt động 50% số phương tiện và chỉ được chở 50% số chỗ ngồi. |
Hiện, mức giảm lệ phí này đang được áp dụng đến hết 31/12/2021. Tại dự thảo mới, Bộ Tài chính nới thêm thời gian áp dụng đến hết 30/6/2022.
Theo quy định, mức phí sử dụng đường bộ phải đóng đối với các doanh nghiệp vận tải chia làm 8 mức, từ 130.000 đồng đến cao nhất 1.430.000 đồng/tháng.
Đối chiếu mức giảm theo đề xuất của Bộ Tài chính, tạm tính một xe vận tải hành khách dưới 9 chỗ sẽ giảm được hơn 230.000 đồng/6 tháng. Với một doanh nghiệp taxi có khoảng 500 chiếc, số tiền được giảm tương đương 165 triệu đồng.
Trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Dũng Minh sở hữu hãng xe Dũng Minh cho biết, hiện đơn vị có 100 xe, những ngày cuối tuần thì chạy được khoảng 10 xe, những ngày trong tuần chỉ chạy được 5-6 xe. Từ khi mở chạy lại, lượng khách rất thấp, trung bình chỉ khoảng 45-50% lượng khách mỗi chuyến, không đủ chi phí.
"Vì vậy, việc giảm 30% mức phí sử dụng đường bộ không hỗ trợ nhiều cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, chủ trương gia hạn cần tăng phần miễn chứ không nên giảm. Có như vậy mới hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp", ông Minh nói.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH vận tải Tuấn Hiển (Thanh Hoá) cho biết, với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, mức phí đường bộ giảm 10% là quá ít, so với những chi phí thường xuyên không thấm vào đâu, nhất là trong bối cảnh thiếu nguồn hàng, thiếu nhân công từ lái xe đến xếp dỡ. Trong khi nhiều xe phải nằm bãi, nếu chạy thì cũng lỗ nhưng vẫn phải chạy để giữ nguồn hàng, không bị đền vì phá hợp đồng với chủ hàng. Bên cạnh đó, chi phí xếp dỡ cũng tăng cao, không có công nhân, giá xăng dầu tăng cộng với chủ hàng không cho tăng giá vận chuyển nên nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa chỉ hoạt động cầm chừng.
Theo báo cáo thống kê trên 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Vì vậy, các doanh nghiệp vẫn đang đau đầu với các khoản thuế phí, tiền vay ngân hàng lo trả lương cho lái xe và nhân viên.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải là giải pháp tích cực cho các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, xe nằm bãi rất nhiều nhưng vẫn phải chịu phí là không hợp lý. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và Bộ Tài chính miễn phí bảo trì đường bộ hết năm 2022.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị cần lùi thời gian quy định lắp camera giám sát trên xe vận tải khách từ 9 chỗ trở lên từ 1/1/2022 thêm 6 tháng đến 1 năm. Theo các doanh nghiệp vận tải, hiện nay, nguồn tài chính của các doanh nghiệp đang cạn kiệt, nếu lắp theo đúng quy chuẩn thì việc lắp đặt mỗi camera sẽ khoảng 8 - 10 triệu đồng, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, nếu lắp đặt camera theo quy chuẩn sẽ bỏ những thiết bị giám sát trên xe rất lãng phí.
Trước những ý kiến của một số doanh nghiệp, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, Chính phủ đã cho lùi thời gian xử phạt do thời gian dịch bệnh khó khăn nhưng không thể tiếp tục lùi được nữa. Sau ngày 31/12/2021, nếu doanh nghiệp chưa lắp đặt camera theo quy định sẽ yêu cầu các sở ngành xử lý nghiêm.
Thanh Hoa