Mới đây, các nông hộ trong 8 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và một cơ sở nông sản đã được chọn thí điểm dán tem chống giả khoai tây Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng khoai tây có nguồn gốc xuất xứ từ nơi khác đội lốt khoai tây Đà Lạt.
Đề cao cảnh giác
Sau đợt thí điểm này, nếu muốn dán nhãn nhận diện nông sản Đà Lạt trên các loại nông sản khác do chính mình trồng, sản xuất tại Đà Lạt và các vùng phụ cận, các HTX, doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh sẽ phải đăng ký tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng.
Như vậy, phải mất gần hai năm kể từ khi phát hiện tình trạng hàng trăm tấn khoai tây Trung Quốc "gắn mác" khoai tây Đà Lạt đưa ra thị trường bán lời gấp 4-5 lần bằng chiêu trò của thương lái là bôi đất đỏ Đà Lạt đến nay mới có động thái dán tem chống giả.
Còn cách đây khoảng một năm, để tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và người trồng khoai tây Đà Lạt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng đã cho làm đề án in ấn bao bì, nhãn mác với những đặc điểm nhận dạng về màu sắc, thương hiệu được đăng ký bản quyền để thị trường không nhầm lẫn.
Có thể nói, việc "đề cao cảnh giác" với tình trạng nông sản đột lốt là không bao giờ thừa khi tình trạng này đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng đến thị trường trong nước mà cả ở thị trường xuất khẩu (XK).
Theo chia sẻ gần đây của ông Peter Folwer, Cố vấn cấp cao cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ, có ba sản phẩm nông sản giả mạo hàng Việt Nam mà cơ quan chức năng nước này từng gặp là trà, cà phê và nước mắm.
Ông Peter Folwer cho biết phần lớn những mặt hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập vào Việt Nam, đóng bao bì nhãn mác tại Việt Nam, ghi sản xuất từ Việt Nam rồi XK sang Mỹ.
Tình trạng copy nhãn mác, thay đổi, mạo danh nguồn gốc xuất xứ rồi XK được đánh giá là sẽ gây tổn hại uy tín của nông sản Việt. Như nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo Cục Xuất nhập khẩu, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
![]() |
Nông sản Đà Lạt đang nỗ lực bịt kẽ hở đội lốt |
Chờ các nông hộ
Ngoài chuyện đội lốt, Gs.Ts Võ Tòng Xuân, còn cảnh báo về nạn "sinh vật tặc" cướp quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của nông dân. Theo đó, các tập đoàn đa quốc gia đã và đang đi lùng những thảo dược tại các nước kém phát triển để đem về chiết xuất các vị thuốc hoặc chất bổ dưỡng thành sản phẩm mang thương hiệu của họ.
Theo ông Xuân, nhiều quốc đang phát triển ở châu Á và châu Mỹ Latinh đã phản đối với Cơ quan cấp quyền SHTT các nước chủ nhà của các tập đoàn đa quốc gia này.
"Qua đó cho thấy các quốc gia có nguồn tài nguyên bản địa phong phú cũng như các kỹ thuật truyền thống cần đặc biệt lập và phổ biến rộng rãi trên Internet những căn cứ dữ liệu này để ngăn chặn tệ nạn đánh cắp sinh vật và kỹ thuật truyền thống", ông Xuân lưu ý.
Trước tình trạng bị xâm phạm SHTT sản phẩm nông sản hiện nay, việc bảo hộ, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản nông sản Việt được cho là còn rất hạn chế.
Cả nước có 37 tỉnh, thành phố có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhưng số lượng và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ ở Việt Nam vẫn đứng sau Thái Lan, một quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam trong việc XK nông sản. Còn việc đăng ký ở nước ngoài thì nông sản Việt vẫn hạn chế, trong khi việc này rất quan trọng để bảo vệ thị trường của nông sản Việt tại nước ngoài.
Đưa ra một minh hoạ khái quát nhằm bịt kín lỗ hổng đột lốt nông sản Việt, Ts Đào Minh Đức, Viện trưởng Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức, cho rằng chủ thể tiếp thị nông sản chính là các nông hộ. Khi tiêu thụ tại chỗ, nông hộ có thể sử dụng SHTT ở mức tối thiểu là bí quyết kỹ thuật, chỉ dẫn thương mại đặc trưng nhằm thu hút, giữ chân khách hàng.
Ở cấp độ cao hơn một chút, khi sản phẩm của nông hộ đưa ra kênh phân phối (gồm chợ, thương lái, cơ sở chế biến, kênh thương mại điện tử hoặc kết hợp kênh truyền thống như bạn hàng, xe – tàu khách), các nông hộ nên sử dụng SHTT ở quy mô kinh doanh nhỏ. Trước tiên là dùng thương hiệu để công bố trách nhiệm và xây dựng hình ảnh, tiến hành đăng ký kinh doanh để được bảo hộ tên thương mại.
Tiếp đến là dùng nhãn hiệu để xây dựng hình ảnh, dùng kiểu dáng công nghiệp để tăng khả năng khác biệt hoá nhằm thu hút khách hàng. Điều này đòi hỏi nông hộ đăng ký bảo hộ để hạn chế hàng nông sản giả đột lốt.
Thế Vinh