Theo Cục Xuất nhập khẩu, hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi "miễn phí" và bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Mượn xuất xứ, hưởng FTA "miễn phí"
Hơn nữa, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng "Made in Vietnam" và họ đang sử dụng hàng "Made in Vietnam" trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.
"Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam", Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Có thể thấy năm 2018, tình trạng nông sản Trung Quốc "đội lốt" nông sản Việt Nam như trường hợp khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai Đà Lạt diễn ra khá phổ biến. Tương tự đối với sản phẩm thép, dệt may, da giày, hàng gia dụng…
Vừa qua, Hiệp hội Da giầy Túi xách Việt Nam cũng phải phát đi cảnh báo không loại trừ khả năng hàng Trung Quốc sẽ đội lốt hàng "Made in Vietnam" để xuất khẩu, khi Trung Quốc đưa bán thành phẩm sang Việt Nam gia công hoặc hợp tác với doanh nghiệp (DN) Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu.
Với ngành thép, sau khi đối mặt với nhiều vụ kiện vì bị nghi có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), kiến nghị năm 2019, Chính phủ có chính sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu tràn lan các mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được, ngăn chặn sự nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ từ Trung Quốc, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.
Phân tích nguyên nhân, Cục Xuất nhập khẩu cho biết hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm "hàng hóa Việt Nam" có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau như hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa có thương hiệu của Việt Nam. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.
Khoai tây Trung Quốc mạo danh khoai tây Đà Lạt |
Bắt buộc ghi nhãn hàng hóa
Vì vậy, trước mắt, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.
Sau một khoảng thời gian thực hiện, khi quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam dần được hình thành trong nhận thức xã hội, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tổng kết, đánh giá và báo cáo Chính phủ để áp dụng bắt buộc ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với một số mặt hàng cụ thể nhằm bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bảo hộ ngành sản xuất và xây dựng thương hiệu như thực phẩm, dệt may, giày dép…
Theo ông Nguyễn Công Thừa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Anh Dao Co.op), nông sản Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam rất nhiều nhưng không phải do DN Trung Quốc làm mà chính nhiều DN Việt Nam đã tranh thủ những lúc "tranh tối, tranh sáng" làm việc đó.
Trong khi đó, để xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, DN chắc chắn sẽ gặp khó khăn về vốn, công nghệ, sở hữu trí tuệ… Vì vậy, các DN trong vùng nên liên kết lại với nhau thông qua các hiệp hội, từ đó giải quyết các khó khăn trên.
Đồng thời, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ cho DN. Có như vậy, hàng Việt mới khẳng định với thị trường thế giới là sản phẩm có chất lượng tốt và đáp ứng được những tiêu chuẩn mà họ đưa ra.
PGs.Ts. Nguyễn Văn Lịch, Trưởng Khoa Kinh tế quốc tế, Học viện Ngoại giao, cho rằng Nhà nước cần kiểm soát tốt đường biên giới cũng như hoạt động nhập khẩu để giảm thiểu gian lận trong nhập khẩu, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tới uy tín hàng hóa của Việt Nam, tăng cường kiểm tra ngay từ khi cấp C/O và sau khi cấp, phân luồng để xác định các mặt hàng và DN có độ rủi ro cao.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Thy Lê