Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2018 với chủ đề "Việt Nam – đối tác kinh doanh tin cậy" diễn ra chiều 13/9.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá đây là cơ hội tuyệt vời để các nhà đầu tư quốc tế, DN Việt Nam cùng chia sẻ kinh nghiệm, mở ra cơ hội hợp tác mới trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Năng lực DN Việt còn yếu
Thay vì bắt đầu bằng các thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong những năm qua, Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn nêu ra một số thực trạng mà nền kinh tế Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng.
Cụ thể, Việt Nam tham gia khá rộng vào nhiều chuỗi giá trị nhưng xét về độ sâu còn nhiều việc phải làm. Một thống kê gần đây cho thấy 21% DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình 46% của các nước trong khối ASEAN. Tỷ trọng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng chưa tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra đa phần DN Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi giá trị ở khâu đơn giản như lắp ráp, có giá trị thấp và thiếu bền vững. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được các DN FDI mua của các nhà sản xuất trong nước chưa đến 27% giá trị đầu vào, phần còn lại là mua của các DN FDI khác hoặc nhập khẩu.
Trong bối cảnh CMCN 4.0, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PWc Việt Nam, đặt vấn đề hiện nay, đại bộ phận DN Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa. Vậy làm sao để DN Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ CMCN 4.0.
"Chúng ta có thể thành công trong 20-30 năm qua nhưng điều đó không đảm bảo DN sẽ thành công trong 10 năm tới vì sự thay đổi của công nghệ đang diễn ra từng ngày, từng giờ", bà Vân chia sẻ.
Cụ thể, Báo cáo mới nhất về nền kinh tế Việt Nam trong ASEAN và dưới tác động của CN 4.0 của PWc qua khảo sát DN cho thấy chỉ có 27% DN hiểu về 4.0 và ảnh hưởng của nó tới DN, 14% DN nói rằng không hiểu, số DN còn lại cho biết có nghe nói CN 4.0 là gì, ảnh hưởng thế nào nhưng vẫn chưa sẵn sàng để bước vào cuộc cách mạng này.
Đặc biệt, về vấn đề quản trị DN, báo cáo trên cho biết, điểm quản trị trong khối ASEAN từ 2012-2015 của DN Việt Nam thấp hơn nhiều so với các DN trong khối ASEAN. Theo đó, trong số 70 DN có chỉ số quản trị tốt nhất trong ASEAN không có DN nào của Việt Nam.
Chia sẻ cơ hội và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam, cho biết một trong những rào cản của DN Việt là chậm đổi mới sáng tạo, năng lực nội tại còn yếu.
Muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta không chỉ nói tới sản phẩm mà còn nói tới giá trị, năng lực cạnh tranh, nghiên cứu và phát triển (R&D) của DN. Tuy nhiên, hiện nay, DN nội địa không thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu vì không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế mà khách hàng đưa ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với đại biểu dự Hội nghị |
DN đừng "tiết kiệm ước mơ"
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tự hào có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP rất cao, tuy nhiên điều quan trọng là DN thu được bao nhiêu giá trị từ kim ngạch này.
"Đơn cử, DN nhập khẩu nguyên liệu thô, đóng gói tại Việt Nam, xuất khẩu sang nước khác, nhưng cuối cùng Việt Nam có được bao nhiêu giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu? Đó là câu hỏi mà Việt Nam cần phải lưu tâm", ông Eric Sidgwick nói.
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và dịch chuyển lên nấc thang cao bằng biện pháp tăng cường liên kết giữa DN nội địa và FDI.
Từ phía DN Việt Nam, Thủ tướng mong muốn các DN phải tự nâng cấp mình, cải thiện năng lực quản trị, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, phát triển đồng hành cùng DN trong toàn bộ tiến trình phát triển.
Thời gian gần đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, tuy nhiên Thủ tướng cũng cho rằng ở đâu đó còn một số ngành, địa phương gây khó cho DN, cản trở thương mại đầu tư phát triển. Điều này phải nhanh chóng khắc phục.
Đối với các DN FDI, Chính phủ mong muốn nhiều tập đoàn, DN FDI cởi mở, tạo cơ hội cho DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của DN Việt. Với "mỏ vàng" nông nghiệp chưa được khai thác hết, Việt Nam hy vọng sẽ có thêm nhiều DN FDI đầu tư vào lĩnh vực này.
"Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất, mà Việt Nam muốn làm bạn của người giỏi nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam có khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng – đó là khát vọng rất mãnh liệt không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Thắng lợi của các DN chính là thắng lợi của Chính phủ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet Air, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có thể mang đến những điều thần kì cho nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể tự tin và lạc quan với triển vọng tương lai phía trước.
Tuy nhiên, DN Việt Nam còn có những thách thức đến từ chính sách quản lý nhà nước chưa như mong đợi; hạ tầng viễn thông, internet cần phát triển cao hơn để bắt kịp sự phát triển này.
Quan trọng hơn, CEO Vietjet Air cho rằng thách thức quan trọng với người lãnh đạo, DN là chính mình. DN phải phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong xu hướng CN 4.0, tìm thấy cơ hội cho DN mình và tạo ra giá trị cho nền kinh tế.
Tại Hội nghị, bà Thảo cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi là có lời khuyên nào cho DN khởi nghiệp Việt Nam. Theo bà Thảo, lời khuyên không phải công nghệ làm thay đổi thế giới mà chính ước mơ làm thay đổi thế giới. Công nghệ chỉ là công cụ, phương tiện. Thế nên, "DN khởi nghiệp đừng có "tiết kiệm ước mơ", hãy mơ những ước mơ to lớn, biến ước mơ đó thành hiện thực bằng hành động của mình".
Trong mỗi hành động, quyết định, quy trình xây dựng, DN cần mang vào đó yếu tố số hóa, tự động hóa, tinh thần của cuộc CMCN 4.0 để tăng năng suất lao động, hỗ trợ thêm sáng tạo của con người, để chúng ta không mất đi công ăn việc làm mà tạo công ăn việc làm ở khu vực văn minh hơn, tạo giá trị to lớn hơn cho cộng đồng xã hội.
"DN Việt Nam không đơn độc vì chúng ta đang được nuôi dưỡng trong một quốc gia khởi nghiệp, một Chính phủ kiến tạo và một Cộng đồng ASEAN thống nhất, kết nối với nhau", bà Thảo chia sẻ.
Lê Thúy
Ông Borge Brede - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Việt Nam cần phải có một trung tâm về CMCN 4.0 từ trí tuệ nhân tạo cho tới xe động cơ không người lái – đó chính là tương lai của các bạn. Trung tâm này sẽ đẩy mạnh phát triển năng lực cho các DN nhỏ và vừa. Việt Nam cũng là một quốc gia xuất khẩu – bởi vậy muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, DN phải áp dụng công nghệ sản xuất mới, quy trình trình sản xuất mới. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Các DN quốc tế hãy đến Việt Nam, hãy "nắm chặt tay" các DN Việt Nam để cùng xây dựng các chuỗi giá trị có trách nhiệm toàn cầu, như khát vọng "Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà" – "khát vọng trong một bài hát của một nhạc sỹ nổi tiếng mà mọi người Việt Nam đều yêu mến: Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn – bài hát "Nối vòng tay lớn". Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Việt Nam hiểu rằng khi mình tiến lên thì quốc gia khác cũng tiến lên. Với ý chí quật cường, niềm tự hào dân tộc, Việt Nam sẽ nỗ lực nhiều hơn, DN Việt Nam phải phấn đấu cao hơn, sáng tạo đổi mới mạnh mẽ hơn, nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách với thế giới. Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, thắng lợi của DN chính là thắng lợi của Chính phủ. |