Mới đây, Sở KH&CN tỉnh Sơn La đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Xoài Sơn La" cho 4 HTX: HTX Thiên Tân, HTX Ngọc Kan, HTX nhãn chín muộn và HTX Anh Trang. Ngay sau lễ công bố này, 25 tấn xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn đã được doanh nghiệp (DN) thu mua, đóng gói xuất khẩu (XK) sang Australia. Điều này khẳng định sản phẩm xoài của Sơn La đảm bảo uy tín, chất lượng đủ tiêu chuẩn để XK sang thị trường khó tính.
Rộng cửa xuất khẩu
Xoài Sơn La "mở cửa" vào được thị trường khó tính là thông tin vui, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Và để có được kết quả trên không thể phủ nhận thực tế là tỉnh này từ nhiều năm qua đã tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu xoài đáp ứng nhu cầu thị trường và XK.
Số lượng vùng sản xuất xoài được cấp mã số xuất khẩu vào thị trường EU rất khiêm tốn. |
Trong đó, Sơn La tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xác nhận cấp mã số vùng trồng xoài để XK, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến... Hiện, toàn tỉnh đã được cấp 71 mã số vùng trồng xoài XK với diện tích gần 1.600ha.
Một kết quả tích cực từ việc có mã số vùng trồng phải kể tới như tháng 3 vừa qua, HTX sản xuất chế biến nông thủy sản Phú Cường - Sông Đà (xã Thịnh Minh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã XK chính ngạch được 20 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc. Đại diện HTX cho biết, sau khi được cấp mã số vùng trồng, HTX đã hoàn thiện những quy chuẩn về đóng gói theo yêu cầu của phía đối tác. Hiện nay, diện tích chuối của HTX khoảng 25ha, sản lượng khoảng 750 tấn/năm, tất cả sẽ được XK. Bên cạnh đó, HTX đưa vào thử nghiệm trồng hơn 2ha khoai lang tím, cũng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để XK.
Thành công ở một số mặt hàng, một số đơn vị khi xây dựng mã số vùng trồng là thấy rõ. Tuy nhiên, từ thực tế cũng ghi nhận việc thiếu mã số vùng trồng đang khiến nhiều mặt hàng nông sản không thể XK.
Thống kê từ Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho thấy, ở tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay ớt đang vào vụ mùa thu hoạch cuối của đợt 1. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, giá bán hiện tại từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, giá giảm từ 23.000 - 27.000 đồng/kg so với đầu mùa và giảm mạnh so với cùng kỳ những năm trước, khiến người dân ở TP. Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Bình Sơn lao đao.
Trong tình cảnh rớt giá, thông tin thị trường Trung Quốc, Malaysia cho phép nhập khẩu ớt Việt Nam trở lại là tin vui với những người nông dân. Tuy nhiên, điều kiện của các thị trường này là ớt phải được sản xuất từ những vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và kiểm soát toàn bộ quá trình từ lúc trồng đến cơ sở đóng gói, XK.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã có văn bản gửi các địa phương, DN triển khai các nội dung này nhưng đến nay chưa có địa phương nào phản hồi, trong khi liên tục nhận được phản ánh rằng ớt đang rớt giá vì tắc đầu ra do COVID-19.
Thay đổi ngay từ nhận thức
Theo đó, bà Hương đề nghị các tỉnh cần phải tích cực trong việc cùng với Cục Bảo vệ thực vật hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật. Vì các thị trường nhập khẩu hiện nay đều yêu cầu phải quản lý cụ thể từ từng vùng trồng, từng cơ sở đóng gói. Do vậy, địa phương phải có trách nhiệm trong việc thường xuyên giám sát, đôn đốc, đảm bảo sản phẩm của địa phương đáp ứng đủ, đúng với yêu cầu của các nước XK sản phẩm.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, sau 10 năm thực hiện mã số vùng trồng, chất lượng nông sản được tăng lên nhiều, sản xuất theo cùng một quy trình, nhận thức của người nông dân chuyển sang sản xuất theo định hướng thị trường, khách hàng. Trong vùng trồng được cấp mã số, nông dân thành lập HTX kiểu mới sản xuất cùng một quy trình, có ghi chép, trao đổi kinh nghiệm với nhau.
“Vụ vải vừa rồi, giá của trái vải ở vùng trồng được cấp mã số cao hơn nhiều so với trái vải ở vùng trồng không được cấp mã số”, bà Hương cho biết thêm.
Đặc biệt, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép XK sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc. Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện XK theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Về khó khăn trong việc cấp mã số vùng trồng, Cục Bảo vệ thực vật chỉ ra: một số địa phương còn chưa dành sự quan tâm đúng mức đối với công tác kiểm tra, giám sát và quản lý vùng trồng. Cá biệt có những tỉnh sau khi đề nghị cấp mã số xong thì không còn quan tâm đến thực tế đang diễn ra thế nào ở các vùng được cấp mã số này. Nhận thức và năng lực kiểm tra, giám sát của cán bộ kỹ thuật ở một số địa phương còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Bên cạnh đó, chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; nhận thức của người dân ở nhiều vùng được cấp mã số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Dưới góc độ DN, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho rằng, việc xây dựng mã số vùng trồng cần có sự liên kết đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN, HTX bà con nông dân. Có như vậy mới giữ được uy tín, gia tăng sản lượng XK tại các quốc gia mà chúng ta đã mở cửa. Đây cũng là giải pháp XK bền vững trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành.
Đồng thời, bà con nông dân, HTX cần phải phối hợp với DN để có giải pháp xử lý tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, gian lận xuất xứ đã từng xảy ra trong thời gian qua, điều này làm mất uy tín nông sản của Việt Nam.
Ông Trần Thanh Nam Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã làm việc với Cục Bảo vệ thực vật và yêu cầu không chỉ quan tâm cấp mã số vùng trồng phục vụ XK mà còn cấp mã số vùng trồng cho tiêu thụ nội địa. Vùng nguyên liệu kể cả phục vụ trong nước cũng phải có mã số vùng trồng, chúng tôi sẽ đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới để khuyến khích các địa phương xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu. Ông Vũ Hồng Nam Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Để tiếp tục đưa được nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, phải tập trung nâng cao chất lượng thực hành nông nghiệp tốt như GlobalGAP, JGAP, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn khác của Nhật Bản một cách nghiêm túc, liên tục, đáp ứng các quy định chung về điều kiện trồng trọt, truy xuất nguồn gốc, áp dụng các công nghệ xử lý và bảo quản sau thu hoạch, quy cách đóng gói bao bì sản phẩm, kiểm dịch thực vật... Ông Hoàng Trung Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Thị trường Trung Quốc giờ không còn dễ tính như trước. Hàng hóa, nông sản nhập khẩu vào thị trường này đòi hỏi rất cao không chỉ về chất lượng, mà mẫu mã, bao bì, quy cách đói gói. Đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng. Yêu cầu này bắt buộc đối với hàng hóa của tất cả các quốc gia, không riêng gì việt Nam. Do vậy, ngành trồng trọt và các DN cần xây dựng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo minh bạch, an toàn với nông sản. |
Lê Thúy
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |