Ghi nhận ở tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên cả nước (đặc biệt là khu vực phía Nam) đang diễn biến phức tạp khiến cho đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản ở tỉnh này gặp khó khăn.
Đầu ra gặp khó, giá giảm sâu
Như hồi đầu tháng 6/2021, ở Tp.HCM, do chợ hoa Đầm Sen và các điểm kinh doanh hoa tự phát trên địa bàn quận 11 đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, làm cho nguồn cung chủ yếu từ các nông hộ trồng hoa ở Lâm Đồng lao đao.
Do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ trong nước của rau củ quả tỉnh Lâm Đồng giảm mạnh. |
Sau đó, Sở Công thương Tp.HCM có cho phép mở cửa tạm thời chợ hoa Đầm Sen từ ngày 11 đến 13/6 nhằm hỗ trợ nông dân Lâm Đồng và tiểu thương tiêu thụ lượng hoa đã trồng phục vụ Tết Đoan Ngọ.
Còn trong tháng 6/2021 này, việc chính quyền Tp.HCM đang tập trung giãn cách xã hội để chống dịch, áp dụng biện pháp mạnh hơn với các chợ tự phát, chợ truyền thống, chợ đầu mối... thì đầu ra cho nguồn hoa tươi Lâm Đồng tại các chợ càng thêm khó khăn.
Theo đánh giá, 6 tháng đầu năm 2021 sản lượng tiêu thụ hoa tươi của Lâm Đồng ở thị trường trong nước (với hơn 89,5% tỷ lệ sản lượng đến các thị trường đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, khu vực miền Đông Nam Bộ) có thể sụt giảm đến 40% mà nguyên nhân chính là từ tác động kéo dài của dịch Covid-19. Do dịch bệnh nên nhiều chương trình lễ hội, hội nghị trong nước bị huỷ, dẫn đến nhu cầu hoa tươi cũng giảm theo.
Ngoài ra, sản lượng rau, củ, quả của Lâm Đồng tiêu thụ ở trong nước giảm 30 - 40% tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, và giảm 50% tại các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, trong tháng 6 này cũng ghi nhận nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ vẫn còn chậm, giảm giá sâu vì thị trường xuất khẩu và trong nước đều gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trong khi nguồn cung lại tăng do thu hoạch rộ.
Đơn cử như việc giảm giá sâu với quả chuối. Một trong những nông hộ trồng chuối lớn nhất trên địa bàn xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) là anh Hoàng Quốc Đại cho biết, trong suốt 2 tháng gần đây, mỗi ngày anh phải nghe ngóng xem các chủ kho còn nhu cầu mua chuối, số lượng và giá cả rồi gọi họ đến vườn thăm và chốt giá. Và mức giá tốt nhất mà anh Đạt chốt được với chủ kho là hơn 4 ngàn đồng/kg.
Với mức giá này, anh Đại lỗ khoảng 2 ngàn đồng/kg chuối. Trong khi vào thời điểm trước tháng 3/2021, việc tiêu thụ chuối của gia đình anh Đạt khá thuận lợi. Thương lái vào tận vườn đặt cọc với giá hơn 6 ngàn đồng/kg.
Trong khi đó, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) gần đây giá thu mua chuối xiêm ở các xã An Minh Bắc, Minh Thuận của thương lái giảm khá mạnh, chỉ còn khoảng 3.000 - 4.000 đồng/nải, giảm khoảng 5.000 đồng/nải so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ lối “vượt bão”
Huyện U Minh Thượng có diện tích trồng chuối xiêm lớn nhất tỉnh Kiên Giang (hơn 1.600ha), nên giá chuối giảm mạnh khiến đời sống nông hộ gặp khó khăn.
Tại các tỉnh An Giang, Hậu Giang… cũng có diện tích trồng chuối khá lớn, và các nông hộ trồng chuối cũng khó khăn tương tự vì giá giảm sâu. Điều này trái ngược với thời điểm chuối được giá, các nông hộ có thể đạt mức lợi nhuận 110-150 triệu đồng/ha.
Thời điểm này, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên việc tiêu thụ của nhiều loại rau củ quả, trái cây ở ĐBSCL gặp khó khăn và đang có mức giá rất thấp, khiến cho các nông hộ bị thua lỗ nặng.
Cần nhắc lại, trong tháng 6/2021 này, các cử tri ở Tp.Cần Thơ có đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ có giải pháp hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp bị thua lỗ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, không bán được sản phẩm hoặc giá bán rất thấp.
Bộ NN&PTNT có trả lời rằng, để thúc đẩy chế biến, phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa thì bộ này đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển chế biến ngành rau củ quả nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đa dạng hóa các mặt hàng rau quả phục vụ tiêu dùng đồng thời giảm áp lực đối với việc tiêu thụ rau quả tươi (Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021).
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng có kiến nghị Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành các giải pháp hỗ trợ người sản xuất.
Cụ thể như Bộ Công Thương chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân. Cơ quan này cũng đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh, người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp.
Hay như Bộ Tài Chính thì nghiên cứu chính sách để giảm chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hoá nông sản và chính sách trợ giá, hỗ trợ thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng, thua lỗ do địa phương phải thực hiện giãn cách/phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh Covid-19…
Có thể nói, có khá nhiều chính sách được gợi mở để hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp trước đại dịch Covid-19. Nhưng trong bối cảnh thực tế hiện nay, nhiều nông hộ đang điêu đứng, thua lỗ nặng, thì điều mong mỏi là các chính sách này cần triển khai mạnh và nhanh hơn nữa. Cần có mô hình kết nối cung - cầu chính quy, chuyên nghiệp hơn, giống như “bờ vai” để các nông hộ tựa vững và chỉ lối cho họ “vượt bão” Covid-19.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |