Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, thể hiện qua con số doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường. Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), số DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 là 76.233 DN, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là lần đầu tiên, số DN mới trong 6 tháng đầu năm vượt mốc 70.000 DN...
Giá thành sản xuất cao, sản phẩm khó cạnh tranh
Tuy nhiên, nhiều DN cũng cho biết vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức để duy trì hoạt động. Tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ KH&ĐT vừa tổ chức, các DN đã chỉ ra rất nhiều khó khăn đang cản đà phục hồi.
Những khó khăn làm đội chi phí sản xuất của doanh nghiệp ngày càng trầm trọng. |
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam (VABA), kiến nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng chấp nhận đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống 1.000 đồng/lít. Thậm chí, các DN đề nghị cơ quan quản lý tiếp tục xem xét giảm thuế môi trường về 0 đồng. Điều này sẽ giúp DN hàng không sớm phục hồi, bớt khó khăn. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao, chi phí hoạt động của DN tăng lên. Dự báo cho thấy phải hết năm 2024, thị trường hàng không mới hồi phục hoàn toàn.
Tương tự, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đánh giá 6 tháng cuối năm sẽ là thời điểm có nhiều khó khăn mà DN phải đương đầu. Theo đó, xuất khẩu đang phải đối mặt với dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, dẫn tới chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu "leo thang".
"Xăng dầu tăng cao gây khó khăn cho ngành dệt may rất nhiều. Những thị trường chính như Mỹ, EU... có chỉ số lạm phát cao khiến sức mua giảm. Đặc biệt về tỷ giá ngoại tệ, từ đầu năm đến nay, đồng NDT của Trung Quốc đã giảm 5,3%, đồng Won Hàn Quốc giảm 4,7%, Yên Nhật giảm 15%… Đối với xuất khẩu, điều này gây ảnh hưởng bất lợi cho DN Việt nam", ông Cẩm chia sẻ.
Chưa kể, từ ngày 1/7/2022, người lao động được tăng lương tối thiểu, nhưng với DN thì đây là áp lực. Việc tăng lương tối thiểu bị đánh giá là khá gấp gáp trong bối cảnh DN mới phục hồi.
Bên cạnh đó, các DN dệt may còn đối mặt với tình trạng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc khó khăn vì chính sách "zero COVID". Hàng loạt DN thiếu hụt nguyên phụ liệu phải nhập khẩu bằng đường biển, thay vì đường bộ.
Trước khó khăn trên, các DN dệt may kiến nghị Chính phủ, địa phương xem xét tiếp tục miễn giảm thuế, phí hạ tầng cảng biển. "Dịch COVID-19 tác động rất lớn nhưng TP.HCM là địa phương thứ 2 sau Hải Phòng thực hiện thu phí cảng biển mặc dù DN đã kiến nghị xin lùi thời gian", ông Cẩm chia sẻ.
Khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chia sẻ chưa có năm nào khách hàng quốc tế đặt hàng nhiều như năm 2022 và kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 5,6 tỷ USD, trung bình mỗi tháng đạt gần 1 tỷ USD. Kỳ vọng 6 tháng cuối năm, XK thủy sản có thể đạt kim ngạch 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Nam cho biết ngành thủy sản đang chịu sức ép lớn từ phí logistics. Hiện nay, chi phí xuất khẩu 1 container 40 feet sang Mỹ ở mức hơn 400 triệu đồng. Chi phí đội thêm này sẽ phân bổ vào giá thành sản phẩm và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng Việt,
Với mức tăng lương tối thiểu vùng mới, đại diện VASEP cho hay hiện nay, DN thủy sản trả lương trung bình từ 7 - 8 triệu/lao động. Theo đó, chi phí lương của DN sẽ đội thêm khoảng 6% kể từ ngày 1/7/2022, tiếp tục tạo áp lực cho DN.
Đồng thời, giá xăng dầu tăng cao đang tạo áp lực quá lớn tới việc khai thác thủy hải sản. Báo cáo của Bộ NN&PTNT mới đây cho thấy, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng cao nên chi phí nhiên liệu của các tàu cá trên đang đội thêm khoảng 3.766 tỷ đồng/tháng, đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%. "Việc tàu cá nằm bờ sẽ khiến cho DN chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng tới hoạt động", ông Nam cho hay.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phản ánh đến nay vẫn chưa có một DN điện tử nào được hưởng các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho DN khó khăn do dịch COVID-19. Bà Hương đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ.
Về vấn đề tín dụng cho DN, bà Bùi Kim Thuỳ, Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho hay nhiều nhà đầu tư, DN đã từng phản ánh việc tiếp cận vốn kinh doanh bất động sản dễ nhưng tiếp cận vốn để sản xuất rất khó khăn. Đây là khó khăn chung của các DN.
Trước những khó khăn và đề xuất của khu vực DN, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm.
Ông Đào Trọng Khoa Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Logistics Việt Nam Việc giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động ngay vào giá vận tải quốc tế, chi phí thuê container rỗng... Vì vậy, các DN logistics mong muốn Bộ GTVT, Bộ Tài chính làm việc với các hãng tàu quốc tế, nhà quản lý của họ để kiểm soát giá. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần phải yêu cầu các hãng tàu kê khai giá chứ không phải thông báo giá, tránh tình trạng lợi thì họ thu nhưng khi khó khăn thì họ không chia sẻ, hỗ trợ DN Việt Nam. Ông Vũ Thế Bình Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam DN du lịch đã giảm giá nhiều dịch vụ để kích cầu nhưng giá vé máy bay rất cao, có những chuyến bay có giá rẻ nhưng chỉ bán theo tour, còn bán ra cho khách hàng cá nhân mua tại thời điểm hiện nay rất đắt đỏ. Quan trọng nhất là ngành du lịch và hãng vận tải, đặc biệt hãng bay chưa ngồi lại được với nhau, vẫn mạnh ai nấy làm, một mình một phách. Chính vì vậy, hiệu quả của chính sách chưa cao. Bà Phan Thị Thanh Xuân Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) Những tháng đầu năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, DN da giày có nhiều đơn hàng hơn, triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, hiện tại các DN ngành da giày, túi xách lại đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ tồn kho cao (khoảng 40%), cùng với đó là chi phí logistics cao, thiếu hụt nguồn lao động cho sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu khi Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách zero COVID. |
Nhật Linh