Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định, việc ứng dụng chế phẩm sinh học đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từng bước thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn.
Hiệu quả rõ nét
Điều này thể hiện ở chỗ, việc sử dụng các giống cây trồng mới lai tạo, giống cây trồng bằng nuôi cấy mô đã tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đồng đều, sạch bệnh, chất lượng và năng suất cao góp phần nâng cao giá trị kinh tế của nông sản.
Hà Nội đã và đang khuyến khích các hộ dân, HTX sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. |
Bên cạnh đó, ứng dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong sản xuất an toàn, phòng trừ bệnh dịch hại đã giảm thiểu sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hoá học góp phần bảo vệ môi trường, cũng như sức khoẻ của con người.
Không chỉ có vậy, việc ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ sinh học đã nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của Thành phố, góp phần đào tạo trình độ chuyên môn, tay nghề cho công nhân kỹ thuật, tăng khả năng tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới cho nông hộ.
Ngoài ra, trong chăn nuôi, chế phẩm sinh học được coi là biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Các HTX và người chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ đệm lót lên men để tạo ra vi sinh vật có ích cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi.
Biện pháp này không chỉ giúp HTX, người chăn nuôi tiết kiệm chi phí nhân công mà còn có thể tiết kiệm tới 70% lượng trấu sử dụng so với phương pháp chăn nuôi truyền thống.
Hiệu quả của phương pháp này là việc phân giải chất thải làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Bên cạnh đó, sử dụng chế phẩm sinh học phối trộn vào thức ăn hữu cơ để phát triển đàn gia cầm.
Thức ăn được phối trộn tận dụng từ những sản phẩm của nông nghiệp, được xay nhỏ, như: lạc, đậu tương, bột ngô, bột cá,... sau đó được ủ với men sinh học tạo ra một loại thức ăn có lợi cho tiêu hóa của gia cầm và giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
TS. Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đánh giá, hiện nay, các loại chế phẩm sinh học đã được người dân trên địa bàn Hà Nội ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, HTX về sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách phối trộn cũng như sử dụng chế phẩm sinh học đúng quy trình kỹ thuật, xây dựng các mô hình HTX điểm để người dân học tập, ứng dụng, nhân rộng mô hình.
Đồng thời, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, các chất tăng trọng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường sản xuất.
Nhân rộng những mô hình điểm
Là HTX gần trung tâm Hà Nội và góp phần cung cấp thực phẩm cho Thủ đô, lúc cao điểm, HTX Tiên Dương, huyện Đông Anh có thể nuôi khoảng hơn 1.000 con lợn và 65ha diện tích trồng rau.
Trước đây, hằng ngày, các hộ thành viên HTX Tiên Dương thường phải đối mặt với mùi hôi đặc trưng từ chất thải của gia súc, rau củ quả phế phẩm chất đống.
Phân của vật nuôi chứa nhiều chất chứa nitơ, phốt pho, kẽm, đồng, chì, Asen, Niken (kim loại nặng)… và các vi sinh vật gây hại khác không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm ô nhiễm đất, làm rối loạn độ phì đất, mặt nước và cả nguồn nước ngầm.
Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. |
Để giải bài toán này, chị Phạm Thị Lý, Giám đốc HTX đã nhờ sự tư vấn của các chuyên gia cách phân lập 7 vi sinh vật bản địa bao gồm Bacillus subtilis, Pseudomonas alcaligenes, Bifidobacterium thermophilus, Clostridium pastenisium, Nirosomonas europaea, Saccharomyces cereviseae và Lactobacillus casei với nồng độ mỗi loài từ 106 - 107 CFU/ml. Các loài này không đối kháng hoàn toàn mà hỗ trợ tương sinh cùng nhau phát triển.
“Chế phẩm vi sinh của chúng tôi có thể sử dụng bằng nhiều cách khác nhau như trộn vào thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, ủ vào chất thải để rút ngắn thời gian hoai mục, pha trộn với nước ao, hồ nuôi tôm, cá để giảm ô nhiễm nguồn nước, bón tưới cho cây để diệt trừ bệnh hại. Nhờ men vi sinh mà tất cả trở thành một vòng tuần hoàn chặt chẽ, cây cối và vật nuôi phát triển tốt mà không cần phải có sự tham gia của bất kỳ chất hóa học nào. Bà con nông dân không chỉ ở Tiên Dương mà còn ở nhiều HTX khác sẽ lấy lại được vị thế của mình với một nền nông nghiệp sạch và minh bạch”, chị Lý hào hứng khoe.
Hay như tại HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai đã sử dụng chế phẩm sinh học Biowish trong chăn nuôi lợn.
Ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX nhấn mạnh, để mô hình phát triển, cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tư vấn các hộ thành viên tích cực ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất bền vững, góp phần cải thiện đời sống nông dân.
Bên cạnh đó, cần tích cực phát triển hệ thống cung cấp, tiêu thụ chế phẩm Biowish, giúp nông dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa an toàn, bền vững.
Được chọn là mô hình điểm sử dụng chế phẩm sinh học Biowish trong chăn nuôi lợn, HTX Hoàng Long đã tuân thủ tốt các quy trình sử dụng. Kết quả cho thấy, thức ăn ủ men Biowish cho lợn đạt kết quả tốt hơn sử dụng thức ăn công nghiệp. Cụ thể, đối với chăn nuôi lợn thịt, giúp giảm mùi hôi, giảm 90% bệnh tiêu chảy ở lợn, lợn thịt khỏe mạnh, da hồng hào, tiêu hóa tốt, chất lượng thịt tốt.
Về mục tiêu thời gian tới, TP Hà Nội xác định rõ, phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường.
Cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, việc thu hút các HTX đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những giải pháp quan trọng.
Cụ thể, cần thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút các HTX tiếp cận, nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới trong phát triển công nghệ sinh học lĩnh vực nông nghiệp. Song song với đó, cũng cần nghiên cứu, đánh giá thị trường, xác định thị trường tiềm năng và đề xuất các giải pháp thúc đẩy các HTX đầu tư vào dự án sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực ở quy mô lớn ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao.
Kim Yến