Khảo sát thị trường cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến thực tế đã tăng trong vài tháng gần đây, tạo áp lực lớn trong việc kiểm soát mặt bằng giá khi thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần.
Doanh nghiệp nói phải tăng, Bộ Công Thương nhận định có thể giảm
Chị Thanh Nhàn, chủ hiệu tạp hóa trên đường Lê Văn Hiến (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết cửa hàng liên tục nhận được báo giá mới của nhà phân phối. So với thời điểm tháng 5/2021, 1 thùng mì tôm Omachi đã tăng 25.000 đồng, từ 160.000 đồng/thùng lên 185.000 đồng; mì Hảo Hảo tăng từ 90.000 đồng/thùng lên 95.000 đồng/thùng; các loại bánh kẹo tùy loại cũng tăng nhẹ khoảng 5%...
Nhiều doanh nghiệp cân nhắc việc tăng giá bán hàng thực phẩm do chi phí đầu vào tăng mạnh. |
Đặc biệt, giá các loại dầu ăn tăng rất mạnh, thậm chí theo tuần. Đơn cử, dầu đậu nành từ 40.000 đồng/lít lên 53.000 đồng/lít, dầu hướng dương tăng từ 40.000 đồng/lít lên 57.000 đồng/lít.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), thời gian qua, doanh nghiệp thực phẩm trong nước phải "oằn mình" tiết giảm chi phí khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 20-30%; nguyên liệu trong nước cũng tăng từ 10-15% so với trước khi dịch COVID-19 xảy ra.
Bà Chi cho hay nhiều khả năng cuối năm sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới cho các mặt hàng thực phẩm. Thời gian qua, các doanh nghiệp thực phẩm tham gia bình ổn giá nên cố gắng giữ ổn định giá cả hàng hóa, đảm bảo cuộc sống an sinh cho người dân, trong khi giá thành sản xuất của doanh nghiệp lại tăng tới 15%.
Chủ tịch FFA dẫn ví dụ: nguyên liệu bột mì nhập khẩu chiếm từ 70-80% giá thành của sản xuất mì tôm đã tăng khoảng 20%. Theo đó, nhiều khả năng, giá mì tôm, bánh kẹo... sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới, mức tăng từ 5 - 15% tùy loại.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ tiêu dùng có mặt bằng giá tăng 10-30% do giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho rằng nguyên nhân chính là giá xăng dầu, giá gas, chi phí phòng chống dịch, chi phí vận chuyển tăng đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay Bộ đang triển khai xây dựng các chương trình bình ổn thị trường, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa thực hiện dự trữ hàng hóa nhằm bình ổn thị trường các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. Các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng lượng hàng cung ứng, dự trữ (tăng 20-30% so với ngày thường) nên về cơ bản sẽ vẫn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá cả cơ bản ổn định.
Thời gian qua, do hưởng bởi dịch COVID-19 mà giá các nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới và thị trường trong nước đều có xu hướng tăng, thậm chí một số nhóm hàng tăng giá mạnh. Đồng thời, do các nhà máy thực hiện công tác phòng, chống dịch hoặc một số nhà máy thực hiện "3 tại chỗ" khiến chi phí sản xuất tăng, chi phí vận chuyển, lưu thông cũng tăng do phát sinh các chi phí về xét nghiệm… kéo theo giá các hàng hóa có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, Vụ Thị trường trong nước nhìn nhận, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, tình hình sản xuất, lưu thông thuận lợi hơn, là yếu tố góp phần ổn định hoặc giảm giá hàng hóa.
Doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí, hạ giá sản phẩm
Để ổn định thị trường giá cả trong thời gian tới, bà Nga cho biết, Vụ Thị trường trong nước sẽ theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... nhằm kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đồng thời, đôn đốc các địa phương sớm có phương án mở lại hoạt động của các chợ truyền thống với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Công Thương sẽ chủ động làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan trên cả nước kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu thông, phân phối hàng hóa nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp. Bộ sẽ phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có).
Đồng thời, bà Nga cho hay Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của các nhà cung cấp và theo thị trường nhằm cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Đỗ Quốc Huy, đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho hay xu hướng tăng giá là dễ hiểu vì tất cả chi phí đầu vào từ nguyên phụ liệu nhập khẩu lẫn trong nước đều tăng vọt trong thời gian qua. Mặt hàng rau củ, trái cây cũng đang tăng giá nhẹ do đang vào mùa nghịch, sản lượng thấp và tỷ lệ hao hụt cao.
Theo đại diện Saigon Co.op, giải pháp cơ bản nhất để vừa hỗ trợ người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm, vừa giúp nhà cung cấp, nhà phân phối bán được hàng là đẩy mạnh khuyến mãi. Từ tháng 11, Saigon Co.op sẽ tập trung khuyến mãi lớn, liên tục.
"Hy vọng sau khuyến mãi, người tiêu dùng sẽ làm quen với mặt bằng giá mới", ông Huy nói.
Trong khi đó, nhằm kích cầu tiêu dùng cuối năm, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Nutrimart, dự báo năm nay nhu cầu có thể giảm so với năm ngoái do tác động của đại dịch COVID-19. Theo đó, Nutrimart đang triển khai combo - gói sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn như GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ với giá bán ưu đãi. Mục tiêu là nông sản Việt Nam phải có lợi thế cạnh tranh so với với hàng nước ngoài.
Đồng thời, đại diện Nutrimart cho biết sẽ triển khai đẩy mạnh nhiều chương trình khuyến mãi lớn. Khách hàng có thể tiếp cận siêu thị qua kênh truyền thống trực tiếp tại cửa hàng hoặc mua trực tuyến trên kênh online, miễn phí giao hàng trong bán kính 10km.
Nhật Linh