Cụ thể, nhìn vào thực trạng nền tài chính quốc gia hiện nay, đại biểu Lộc cho rằng đang có 2 vấn đề.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình (Ảnh: Internet) |
Đầu tiên là vấn đề cân đối ngân sách trong trung và dài hạn, những năm gần đây đạt được nhiều tiến bộ như tỷ lệ thâm hụt ngân sách không còn vượt dự toán, tỷ trọng vay trong nước cao hơn... Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn những chuyển biến này chưa bền vững. Nguồn thu từ doanh nghiệp (DN) thiếu ổn định, trong khi tỷ lệ chi thường xuyên cao, chiếm trên 60% tổng chi ngân sách, chưa có chuyển biến tích cực. Dẫn tới thu ngân sách mới chỉ đáp ứng tiêu dùng, trả nợ.
Do đó, cân đối ngân sách vẫn phụ thuộc bán đất, bán tài nguyên, bán tài sản nhà nước (phụ thuộc khoản thu một lần, thiếu tính bền vững).
Với tình trạng này, ông Lộc đề nghị dùng khoản vượt thu ngân sách nhà nước để giảm nợ công, áp lực trả nợ, chứ không dùng để tăng chi như hiện nay. Giải pháp căn cơ là kiên quyết cắt giảm bộ máy nhà nước một cách hợp lý, từ đó giảm chi thường xuyên, xuống dưới 30%.
Liên quan tới hiệu quả đầu tư, đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá, đầu tư kém hiệu quả là vấn đề dai dẳng, tồn tại từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. Tốn hơn 6 đồng đầu tư mới có 1 đồng tăng trưởng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn thấp, nhiều dự án chưa cấp thiết như như tượng đài, quảng trường... vẫn đang được xây dựng.
Đầu tư theo nguyên tắc bình quân chủ nghĩa - mỗi địa phương, mỗi bộ ngành một ít, chưa dựa trên hiệu quả tổng thể của nền kinh tế. Tình trạng đầu tư dàn trải, thua lỗ còn phổ biến.
Trong các nguyên nhân, có cả việc chính quyền không có tiền để trả nợ đọng cho DN ứng tiền xây dựng dự án trước đó, đẩy DN vào tình trạng thua lỗ. Do đó, cần ưu tiên giải quyết nợ đọng, trước khi đề xuất xây dựng án mới.
Đầu tư kém hiệu quả còn thể hiện ở một số dự án vừa hoàn thành xong đã hỏng như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đầu tư 34.000 tỷ đồng nhưng mới khai thác đã phải sửa chữa.
Trong khi đó, các vấn đề liên quan tới trách nhiệm của các cấp, các ngành để nâng cao hiệu quả đầu tư ít được đề cập trong dự thảo.
"Nếu nới quy trình thủ tục đầu tư nhưng ràng buộc trách nhiệm không rõ ràng, tôi e rằng càng giải ngân nhiều, thất thoát nợ công ngày càng lớn. Đây là những vấn đề cần xem xét kỹ khi thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi lần này", ông Lộc nói.
Lê Thúy