Theo các đại biểu, mặc dù giai đoạn 2016-2018 nền kinh tế tăng trưởng khả quan với ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt tốc độ tăng trưởng trung bình từ 6,5-7% cho cả giai đoạn 2016-2020 lại là thách thức lớn.
Đại biểu Vũ Tiền Lộc (Đoàn Thái Bình) |
Phân tích về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, lần đầu tiên Chính phủ xây dựng được chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. Nhờ đó, niềm tin và động lực mới của cải cách đang được khơi dậy, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh được đảm bảo.
Doanh nghiệp thành lập mới được tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ qua trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, mặc dù giai đoạn 2016-2018 nền kinh tế tăng trưởng khả quan với ước tính khoảng 6,57%/năm, nhưng việc đạt tốc độ tăng trưởng trung bình từ 6,5-7% cho cả giai đoạn 2016-2020 lại là thách thức lớn. Bởi vì nền kinh tế hiện đang có độ mở rất cao nên có nhiều nhạy cảm với những tác động bên ngoài trong bối cảnh FED, chiến tranh thương mại bùng nổ, kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại...
Ông Lộc đặt câu hỏi: “Liệu việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% mỗi năm trong 2 năm tới, liệu nguồn vốn đầu tư FDI, và FII có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là động lực chính cho tăng trưởng phát triển?”.
Thời gian qua, nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019-2020 đang điều chỉnh theo hướng giảm đi.
Vì vậy, một số đại biểu cho rằng xu hướng cho xuất khẩu và đầu tư sẽ khó khả quan và thuận lợi trong 3 năm tới đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Ông Lộc đề nghị, Việt Nam nên xác định các mục tiêu khác như thu chi ngân sách, nợ công rất cần có sự cẩn trọng và cân nhắc không nên dựa vào kế hoạch tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn 6,5%.
Đóng góp ý kiến về mục tiêu lạm phát khoảng 4% cho năm 2019, đại biểu Lộc cho rằng, trong hai năm qua, đặc biệt 2018, Việt Nam đã giữ được dưới 4% bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, tỷ giá, giá thực phẩm... diễn ra đồng thời, đó là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất.
Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và hiện hữu hơn.
Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng lạm phát trong giai đoạn 2019-2020 đang có điều chỉnh khoảng 4%, ông Lộc đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%?. Việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% thay cho dưới 4% trong năm 2019 thì Quốc hội sẽ đánh giá hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào? Và nếu lạm phát là 4,1- 4,2% thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu 4,3 - 4,5% có thể coi là hoàn thành mục tiêu được không?
Vị đại biểu này phân tích, chuyển từ mục tiêu cứng rõ ràng dưới 4% sang mục tiêu mềm khoảng 4% là một bước lùi trong hoạch định chính sách và hậu quả sẽ khó lường.
Khi Chính phủ không bị ràng buộc về sự kiểm chế lạm phát cứng thì việc quyết liệt trong thực hiện mục tiêu sẽ giảm đi nhiều, các Bộ ngành không còn phải cân nhắc nhiều khi đưa ra các đề xuất tăng giá, phá giá hay điều chỉnh giá hay đưa ra các đề xuất mới...
“Hơn nữa, việc điều chỉnh lạm phát khoảng 4%, Chính phủ khó bảo đảm thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết Quốc hội là đưa lạm phát về dưới 3% vào cuối nhiệm kỳ này”, ông Lộc nói.
Thanh Hoa