Tại buổi thảo luận về một số nội dung liên quan đến ngân sách nhà nước và đầu tư công sáng 29/10, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đánh giá tình hình tài chính quốc gia có nhiều tiến triển như thu ngân sách 2018 vượt 3% dự toán, tỷ trọng thu từ nội địa ngày càng tăng, giảm sự phục thuộc vào bán tài nguyên, bội chi giảm, nợ công được kiểm soát...
Đại biểu Leo Thị Lịch - đoàn Bắc Giang (Ảnh: Internet) |
Tuy nhiên, qua các báo cáo, đại biểu cho rằng còn một số đề cần làm rõ và giải quyết tốt hơn.
Về thu ngân sách, theo đánh giá là vượt dự toán nhưng nhìn sâu hơn cả 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài quốc doanh số thu đều không đạt dự toán; phần vượt chủ yếu thu từ tiền sử dụng đất và dầu thô.
Đồng thời trong bối cảnh hội nhập, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do, cắt giảm thuế quan đang tác động tới nguồn thu ngân sách. Điều này yêu cầu tính toán dự báo sao cho sát cân đối thu chi, đảm bảo ổn định vĩ mô.
Cùng với đó, số nợ thuế tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu, các hiện tượng trốn thuế, thất thu, chuyển giá xảy ra nhiều. Kế hoạch năm 2019, dự kiến tăng thu 3,9% so với năm 2018, thấp hơn so với tốc độ tăng thu các năm trước. Huy động từ thuế, phí vào ngân sách chỉ đạt 20% GDP, là năm thứ 4 không đạt mục tiêu kế hoạch tài chính.
"Câu hỏi đặt ra là do bất cập trong chính sách thu hay thiếu nỗ lực trong hành thu? Hơn nữa, giảm thu ngân sách khi Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động cũng cần giải thích rõ ràng để cử tri và nhân dân hiểu", đại biểu Lịch yêu cầu.
Về chi ngân sách, trong điều kiện ngân sách quốc gia chưa phải dư giả, phần chi cho đầu tư phát triển chủ yếu từ nguồn đi vay nhưng vẫn sử dụng lãng phí. Theo đại biểu Quốc hội, nổi cộm như trong đầu tư xây dựng cơ bản, ngoài những thất thoát lãng phí về hiệu quả dự án, còn vấn đề vốn vay chậm được giải ngân.
Đặc biệt, nhiều khoản như chi mua sắm thiết bị đắt tiền, hội nghị, lễ hội, khánh tiết, ngày kỷ niệm... gây tốn kém.
Ngoài ra, về phối hợp và huy động nguồn lực đầu tư, theo đại biểu Lịch, vấn đề chính sách đặt ra là phải chặt chẽ để không bị lợi dụng, cũng như nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Vừa qua, Bộ Tài chính yêu cầu dừng thanh toán dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) để thiết kế chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, cần ban hành ngay chính sách mới thay thế vì hiện nay, những dự án này đang bị đình trệ, gây thiệt hại lớn cho đầu tư.
Thy Lê