Với vai trò đầu tàu trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Yên Định những năm qua đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, định hướng phát triển đào tạo theo nhu cầu thị trường.
Phát triển nghề mới
Ông Lưu Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Với mô hình vừa dạy văn hóa, vừa kết hợp với liên kết đào tạo nghề, hiện nay, trung tâm có hơn 500 học sinh đang theo học, hàng năm cung cấp 150 - 200 học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề chính quy vào thị trường việc làm.
Yên Định đang chú trọng phát triển các nghề phi nông nghiệp mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động (Ảnh TL). |
Để dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, học sinh sau đào tạo, cũng như cung cấp cho thị trường nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của HTX, doanh nghiệp, người sử dụng lao động... Trung tâm đã liên kết đào tạo các nghề gia công, thiết kế các sản phẩm mộc, kỹ thuật điêu khắc gỗ, quản trị mạng máy tính...
Sau các lớp đào tạo, hầu hết học viên đều nắm vững kiến thức cơ bản, tự tin tham gia thị trường lao động, hoặc tự khởi nghiệp. Riêng với nghề mộc, điêu khắc gỗ đơn vị đào tạo bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 100% lao động, học sinh sau khi ra trường.
Anh Lê Xuân Long, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, cho hay vào năm 2016, sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề mộc tại Trung tâm dạy nghề huyện, dù được tạo điều kiện làm việc tại doanh nghiệp nhưng anh quyết tâm trở về xã để thành lập Tổ hợp tác mộc Quý Lộc.
Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng với trình độ kỹ thuật tốt, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đồ mộc của Tổ hợp tác ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài huyện ưa chuộng. Nhờ phục vụ đa dạng nhu cầu từ đồ mộc dân dụng đến thiết kế nội thất, lao động của Tổ hợp tác luôn trong tình trạng “làm không hết việc”, thu nhập bình quân 7 – 8 triệu đồng/người tháng.
Bên cạnh những nghề đã dần quen thuộc, gần đây, nhận thấy trên địa bàn huyện có tới 3 doanh nghiệp lớn có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, Trung tâm dạy nghề huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Bách khoa Việt Nam để tổ chức dạy nghề may công nghiệp và điện công nghiệp.
Ngoài ra, huyện cũng đang tổ chức các lớp dạy tiếng Nhật và công nghệ thông tin cho người học. Hiện 2 nghề này thu hút gần 100 lao động, học sinh, hứa hẹn sẽ cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của HTX, doanh nghiệp và người sử dụng lao động.
Giữ vững nghề nông
Dù đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, nông nghiệp vẫn là một ngành mũi nhọn của huyện Yên Định. Vì vậy, công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ trồng trọt, chăn nuôi cho người nông dân địa phương vẫn đặc biệt được chú trọng.
Các nghề nông nghiệp cũng được huyện chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ thuật cho người nông dân (Ảnh TL). |
Theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Định, với các lớp chuyển giao khoa học – kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi thú y... sau khi học nghề, nhiều lao động đã đứng ra thành lập tổ hợp tác, nhóm hộ trồng ớt xuất khẩu, sản xuất lúa giống, sản xuất lúa chất lượng, nuôi cá, nuôi lợn, gà, vịt...
Những đơn vị tham gia chương trình đào tạo nghề cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đáng chú ý, để tăng cơ hội việc làm cho lao động sau khi học nghề nông, huyện chú trọng nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác. Huyện hiện có 34 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các HTX tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch lại ruộng đồng, mở rộng diện tích các loại cây có giá trị kinh tế cao, như bí ngô, bí xanh, ngô ngọt, rau an toàn, sản xuất lúa giống, ớt cay xuất khẩu, ngô dày, khoai tây.
Bên cạnh đó, các HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức dạy nghề, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc trực tiếp làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ngoài ra, các HTX dịch vụ nông nghiệp cũng đã phát huy vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích.
Có thể thấy các chương trình đào tạo nghề nông thôn ở Yên Định đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong thời gian tới, huyện khuyến khích người dân tham gia các hình thức đào tạo khác như truyền nghề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung thêm kiến thức hoặc tay nghề. Từ đó giúp người lao động có việc làm ổn định, thích ứng với công việc, yêu cầu, điều kiện, môi trường làm việc trong thời đại công nghiệp 4.0.
Lê Lai