Dù có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, nhưng khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thông báo có lớp đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn do Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh tổ chức, chị Nguyễn Thị Huệ, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên đã đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y.
Tự tin khẳng định mình
Chị Huệ cho hay khi tham gia lớp học, chị cùng các chị em khác được trao đổi lý thuyết kết hợp với thực hành về những nội dung như tuyển chọn thức ăn trong chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi lợn, trâu, bò hay gia cầm, kỹ năng phòng trừ dịch bệnh an toàn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Được học nghề, phụ nữ nông thôn tự tin xây dựng kinh tế gia đình, khẳng định bản thân (Ảnh TL). |
“Sau lớp đào tạo nghề, nắm vững kỹ thuật mới, tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 30 triệu đồng để cải tạo chuồng trại, nâng tổng đàn lợn lên hơn 50 con/lứa, áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, với các loại cám thảo dược tự nhiên, đệm lót sinh học, hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn”, chị Huệ chia sẻ.
Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chăn nuôi theo quy trình an toàn giúp gia đình chị Huệ nâng cao đáng kể giá trị sản xuất. Liên tục trong 3 năm kể từ 2018 đến nay, gia đình chị đạt lợi nhuận xấp xỉ 100 triệu đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí.
Tương tự, những năm gần đây, ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, người dân trồng nhiều cây thanh long ruột đỏ. Để tạo thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã vận động, tuyên truyền, liên kết giữa các hộ trồng thanh long trên địa bàn.
Tháng 6/2020, HTX thanh long ruột đỏ xã Minh Quân được thành lập với 9 thành viên. HTX trở thành nơi các thành viên học tập, trao đổi kinh nghiệm, được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp giống đảm bảo, vay vốn ưu đãi.
Chị Đỗ Thị Thu Dung, thành viên HTX, cho biết: "HTX đã đăng ký được tem truy xuất nguồn gốc và thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển thêm hội viên, mở rộng diện tích, cũng như tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định và giảm tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ”.
Thêm nguồn lực hỗ trợ
Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ngành tỉnh, không chỉ để bảo đảm các mục tiêu kinh tế, xã hội trước mắt mà còn bảo đảm các điều kiện để phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan triển khai công tác này.
Các chương trình đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn sẽ tiếp tục được tỉnh đẩy mạnh (Ảnh TL). |
Trong năm 2020, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp mở trên 100 lớp đào tạo nghề cho trên 3.000 lao động với các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, như may công nghiệp, chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi thú y, nuôi tằm và sơ chế kén tằm...
Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh đã mở 28 lớp đào tạo nghề cho 840 lao động; cấp huyện phối hợp tổ chức trên 80 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.199 lao động. Sau học nghề, đa số các chị em đã áp dụng các kiến thức, kỹ năng nghề được học vào mô hình sản xuất của gia đình và cho hiệu quả kinh tế.
Cụ thể, trên 2.000 người làm đúng nghề được đào tạo, áp dụng nghề vào thực tiễn có hiệu quả và gần 100 người thuộc hộ nghèo sau học nghề đã vươn lên thoát nghèo. Phần lớn các mô hình phát triển kinh tế của chị em tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều chị em còn mở rộng quy mô sản xuất, thành lập mô hình HTX, tổ hợp tác.
Có thể nói, công tác đào tạo nghề và việc làm cho lao động nữ nông thôn thời gian qua đã được các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện trở thành đòn bẩy, tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan đầu mối, Hội Phụ nữ tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tham mưu với tỉnh về các chính sách dạy nghề, học nghề cho lao động nữ nông thôn. Chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề và việc làm.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm cho lao động nữ, vận động thu hút lao động nữ tham gia học nghề. Chủ động phối hợp với các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ học nghề, tạo việc làm mới cho lao động nữ nông thôn.
Lệ Chi