Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956, giai đoạn 2010 - 2020, huyện Như Thanh đã phối hợp với các cấp, ngành, các địa phương mở được 56 lớp dạy nghề cho 2.256 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 60%.
Chuyển biến tích cực nhờ liên tục đổi mới
Các chương trình dạy nghề tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, như chăn nuôi lợn nái ngoại, trồng lúa năng suất cao, trồng nấm, sò, mộc nhĩ, ớt, đậu tương, chăn nuôi con đặc sản, may công nghiệp, điện dân dụng, gò hàn, thêu ren, đính hạt cườm...
Công tác đào tạo nghề của huyện Như Thanh liên tục có những đổi mới và mang lại hiệu quả tích cực (Ảnh TL). |
Theo từng năm, chương trình đào tạo nghề của huyện đã có những đổi mới theo hướng tiếp cận với nhu cầu của thị trường lao động, trong đó đặc biệt chú ý tới việc giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp và rèn kỹ năng nghề cho người học.
Đáng chú ý, một số cơ sở dạy nghề của huyện đã kết hợp với các HTX, doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, đào tạo theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.
Theo đó, sau các khóa học nghề trung bình 1 - 3 tháng, người lao động đã nắm chắc kỹ thuật, có thể tự tin áp dụng vào thực tiễn để sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Năm 2013, sau khi được tham gia lớp dạy nghề về trồng trọt, chăn nuôi do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức, chị Lê Thị Thanh ở thôn Bái Sim, xã Thanh Kỳ đã tổ chức quy hoạch lại 13 ha đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng 12 ha keo, 1 ha còn lại xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn mán, gà, trồng thêm ngô, sắn, ràu màu để phục vụ chăn nuôi.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên các loại cây trồng, vật nuôi của gia đình chị Thanh luôn phát triển ổn định. Năm 2020, chị Thanh xuất bán trên 3 tấn lợn mán, hơn 4.000 con gà giống, 5 ha keo, doanh thu đạt trên 500 triệu đồng.
Khơi thông những điểm nghẽn
Không chỉ có cơ quan quản lý, các HTX trên địa bàn huyện Như Thanh cũng đang rất tích cực trong công tác dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Các HTX đang có những đóng góp thiết thực trong dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn (Ảnh TL). |
Điển hình như HTX nông sản Trúc Phượng, xã Yên Thọ, đang thành công với mô hình nuôi trồng và chế biến nấm với quy mô 5.000m2, khu vực nhà xưởng chế biến rộng 100m2. Bình quân mỗi năm, HTX đưa ra thị trường từ 60 tấn nấm các loại.
Sản phẩm của HTX đang được cung cấp cho hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại Thanh Hóa, Hà Nội... Đáng chú ý, nấm linh chi, mộc nhĩ, bào ngư xám được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020.
Nhờ sản xuất hiệu quả, HTX đang có đóng góp tích cực trong công tác dạy nghề trồng nấm, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại chỗ. Nhờ học nghề tại HTX, nhiều lao động địa phương đã tự tin phát triển mô hình riêng, mang lại lợi ích thiết thực.
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Như Thanh những năm qua đã giúp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng lao động ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện vẫn còn những hạn chế nhất định, như việc tổ chức dạy nghề vẫn chạy theo số lượng, chất lượng đào tạo chưa cao, một số nghề chưa phát huy hiệu quả sau đào tạo. Đặc biệt, chưa tạo sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với HTX, doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo, sử dụng lao động sau đào tạo...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thời gian tới, huyện Như Thanh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề.
Huyện cũng sẽ tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ của HTX, doanh nghiệp, phục vụ nguồn lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Mỹ Chí