Bên cạnh những cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề nông thôn, tạo việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là mục tiêu chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.
Học nghề để tăng thu nhập
Gia đình chị Cao Thị Huyền, dân tộc Mường, xóm Tre Thị, xã Xuân Thủy trước đây chỉ biết sản xuất nông nghiệp thuần túy, chăn nuôi theo kiểu truyền thống, công việc vất vả nhưng thu nhập khá thấp.
Năm 2019, sau khi được tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ bệnh cho lợn theo Đề án 1956, hiệu quả chăn nuôi của gia đình chị Huyền đã được nâng lên đáng kể. Khu chăn nuôi của gia đình chị đang duy trì 5 con lợn nái, 30 con lợn thịt, thu nhập bình quân 50 - 70 triệu đồng/năm.
Gia đình chị Huyền chỉ là một trong nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Kim Bôi phát huy được nghề đã học, từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Đáng chú ý, công tác đào tạo nghề ở Kim Bôi đang có sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác.
Đơn cử, trong thời gian qua, bên cạnh lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất tinh dầu sả, HTX dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn đã xây dựng thêm xưởng may, thành lập đội ngũ lao động lành nghề để triển khai may gia công cho một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Nội.
Xuất phát từ nhu cầu của lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi đã phối hợp với HTX trong việc hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm cho người dân địa phương.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề may công nghiệp, 28/28 học viên đã được nhận vào làm việc tại xưởng may gia công của HTX. Mức lương tối thiểu của công nhân tại xưởng đạt 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng. Riêng tháng cao điểm Tết Nguyên đán, thu nhập của người lao động cao gấp 1,5 lần.
Nhờ tham gia các khóa dạy nghề, người dân nông thôn tự tin sản xuất nâng cao thu nhập. |
Chị Bạch Thị Như, xã Hùng Sơn, công nhân may của HTX Huy Chỉ cho biết, chị làm công nhân may cho HTX từ 3 năm nay. Hiện, công việc của chị khá ổn định, thu nhập cũng cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp mà không phải ly hương, đi làm lao động trong các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
“Cái hay khi tham gia các lớp dạy nghề của HTX Huy Chỉ là được "cầm tay chỉ việc", sau đó là được nhận vào làm luôn. Nhờ có HTX mà hơn 20 lao động, đa phần là nữ người dân tộc Mường, Dao vốn quanh năm "chân lấm, tay bùn" nay có việc làm, thu nhập ổn định”, chị Như phấn khởi nói.
Đào tạo sát thực tế
Tương tự, những năm gần đây, công tác dạy nghề trên địa bàn huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng được quan tâm đặc biệt từ các cấp quản lý và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là tại khu vực nông thôn.
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, huyện Đông Sơn đã phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương đào tạo cho 1.721 lao động nông thôn, trong đó 1.582 lao động có việc làm sau đào tạo.
Qua từng thời kỳ, quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đông Sơn ngày càng tăng, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, đòi hỏi của HTX, doanh nghiệp.
Kết quả, đội ngũ lao động sau khi học nghề hầu hết đều vận dụng tốt kiến thức được học để áp dụng vào các hoạt động sản xuất, trồng trọt, hoặc được nhận vào làm việc ở các HTX, công ty trên địa bàn huyện.
Điển hình, đối với nghề phi nông nghiệp, sau đào tạo có 90% lao động có việc làm, cung ứng nguồn lao động có tay nghề may cho các công ty như May Phú Anh (xã Đông Khê), In Kyung Vina (xã Đông Ninh), May Phương Xinh (xã Đông Nam)… Mức thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Đối với nghề nông nghiệp, đa số học viên sau khi học nghề đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào sản xuất, tự tạo việc làm, phát triển kinh tế trang trại, nâng cao thu nhập, với mức thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Cũng thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956, trong 10 năm qua, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cấp, ngành, các địa phương mở được 56 lớp dạy nghề cho 2.256 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 60%.
Các chương trình dạy nghề tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, như chăn nuôi lợn nái ngoại, trồng lúa năng suất cao, trồng nấm, sò, mộc nhĩ, ớt, đậu tương, chăn nuôi con đặc sản, may công nghiệp, điện dân dụng, gò hàn, thêu ren, đính hạt cườm...
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương đã và đang giúp nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng lao động ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề ở nông thôn một số nơi vẫn còn những hạn chế nhất định, như việc tổ chức dạy nghề vẫn chạy theo số lượng, chất lượng đào tạo chưa cao, một số nghề chưa phát huy hiệu quả sau đào tạo. Đặc biệt, chưa tạo sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với HTX, doanh nghiệp trong việc phối hợp đào tạo, sử dụng lao động sau đào tạo...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề.
Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ của HTX, doanh nghiệp, phục vụ nguồn lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thanh Ngoan