Trong các điển hình của nông dân sau khi được đào tạo lớp nghề nuôi giun quế có thể đến mô hình của ông Hoàng Phương ở thôn Cỗ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh. Bước đầu, mô hình này đã thực hiện nuôi giun quế thành công và đã nhân giống giun quế cho bà con, đây là nguồn thức ăn sạch trong chăn nuôi gà, vịt, cá...
Gắn với việc làm sau học nghề
Hoặc như mô hình từ lớp học sản xuất nước mắm của bà Nguyễn Thị Chiếm và bà Trần Thị Lý ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, trung bình khoảng 1,5-2 tháng làm ra được 170-200 lít nước mắm, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng.
Nhờ học nghề đã giúp nông dân Vĩnh Linh áp dụng kiến thức vào trồng dưa lưới để đạt hiệu quả cao. |
Hay như mô hình của lớp nghề kỹ thuật làm hương của Hội Người mù huyện Vĩnh Linh tại Khu phố 1, thị trấn Hố Xá, thu nhập bình quân theo đầu người là 4 triệu đồng/người, mô hình này phát triển tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật trên địa bàn…
Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh, cho biết có đến 90% lực lượng lao động ở nông thôn là hội viên Hội Nông dân và họ cần được đào tạo nghề nhằm áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để đạt hiệu quả cao. Để từ đây tạo ra cơ sở vững chắc giúp nhau vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.
Theo ông Lương, thời gian qua Hội Nông dân huyện đã tăng cường công tác tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học trong sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao trình độ cho người lao động nông thôn. Từ năm 2016- 2020, hội đã mở 645 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 30.562 lượt hội viên nông dân tham gia; mở 249 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ cho 7.470 hội viên.
Bên cạnh việc mở các lớp đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân thì huyện Vĩnh Linh đã và đang thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp gắn với việc làm cho lao động nông thôn.
Từ năm 2016 đến 2019, toàn huyện đã có trên 3.400 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề. Trong đó, đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp cho 1.290 người và đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.147 người.
Hiện nay hoạt động dạy nghề ở Vĩnh Linh được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, “vừa học, vừa làm”. Đồng thời, huyện cũng trang bị thêm cho người học kiến thức về kinh doanh, an toàn lao động cũng như kĩ năng thực hành, làm việc theo tổ, nhóm.
Áp dụng vào thực tế sản xuất của HTX
Trong 10 năm trở lại đây, toàn huyện Vĩnh Linh đã tổ chức được 245 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo được 6.992 lao động. Trong đó, chủ yếu tập trung đào tạo từ 1 đến 3 tháng, ngành nghề đào tạo chủ yếu thuộc các nhóm ngành nghề như nông - lâm - ngư nghiệp, dịch vụ.
Tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt đã giúp nâng kiến thức cho các thành viên HTX ở Vĩnh Linh nhằm áp dụng vào thực tế sản xuất. |
Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm ở khu vực kinh tế hợp tác ở Vĩnh Linh cũng được chú trọng. Hiện nay, toàn huyện có 67 HTX hoạt động giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Thông qua việc tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp đã giúp nâng kiến thức cho các thành viên HTX nhằm áp dụng vào thực tế sản xuất.
Là một HTX tiêu biểu ở huyện Vĩnh Linh, HTX Kinh doanh và Dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy ở xã Vĩnh Thủy đang cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức trồng trọt cho các thành viên HTX thông qua việc tham gia tích cực vào các lớp tập huấn.
Nhờ đó, HTX này đang là đơn vị có diện tích canh tác cây ăn quả lớn nhất trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Đến thời điểm này, HTX đã phát triển được hơn 78 ha cây ăn quả, trong đó có 68 ha đã cho thu hoạch.
Đặc biệt, các thành viên HTX đã xây dựng thành công thương hiệu cho thanh long ruột đỏ, được chứng nhận VietGAP, có tem mác truy xuất nguồn gốc. Đồng thời đưa loại trái cây này trở thành một trong những sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn tại địa phương.
Là một trong những thành viên của HTX Tây Vĩnh Thủy, ông Trần Văn Phẩm cho biết nhờ vào việc tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt đã giúp ông mạnh dạn khai hoang, lập hóa và mở rộng trang trại trồng cây ăn quả với 2ha các loại cây ăn trái như thanh long, bưởi da xanh, chanh leo...Từ các mô hình này, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông Phẩm lãi ròng khoảng 200 triệu đồng.
Những lớp học đào tạo nghề này đã và đang giúp xoá đói giảm nghèo tại huyện Vĩnh Linh, ngoài ra còn giúp người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích.
Thanh Loan