Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo về 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (Quyết định số 1956 về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn của Thủ tướng Chính phủ năm 2009).
Chưa đáp ứng được nhu cầu của hợp tác xã, DN
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, cả nước đào tạo được 2,3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, mới đạt 77% kế hoạch đề ra cho 3 triệu lao động.
Tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. |
Theo ông Lê Đức Thịnh, những thành tựu trong công cuộc dạy nghề có thể kể đến như: Tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, tạo vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa, hỗ trợ cho tái cơ cấu.
Tuy vậy, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận, hoạt động dạy nghề có nhiều hạn chế. Cụ thể, nhiều cơ sở đào tạo nghề còn yếu kém, cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của một số đơn vị đào tạo nghề vẫn còn thiếu về số lượng và còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đặc biệt, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế trong nước, lao động nông nghiệp chưa xây dựng được kỹ năng ngành thiết yếu, chưa có tính liên kết giữa các khâu đào tạo, tạo việc làm...
Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và khung chương trình đào tạo nghề chưa đáp ứng được xu hướng phát triển hiện đại theo xu hướng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa hay nhu cầu quản trị HTX, doanh nghiệp.
Theo PGs.Ts. Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, để đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiệu quả, cần xây dựng chuẩn chương trình chứ không phải chương trình chuẩn.
Ông Điền đặt vấn đề: “Nghĩa là chúng ta cần nắm rõ thị trường đang thiếu lao động trong lĩnh vực nào, ngành nghề nào và sự thiếu ấy sẽ kéo dài trong khoảng bao lâu? Các kỹ năng cần đào tạo cho người lao động trong lĩnh vực ấy là gì".
Đồng thời, theo ông, đào tạo nghề phải xác định trong bao lâu sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường và không bị lạc hậu? Phải có một khảo sát, tính toán chi tiết cho những việc này, các chương trình đào tạo nghề mới phát huy hết hiệu quả.
Tập trung vào chất lượng đào tạo
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nhu cầu thực tế của ngành kinh tế xã hội địa phương đang thay đổi rất nhanh. Ngay kỹ năng quản trị HTX, doanh nghiệp có rất nhiều người quan tâm, việc đào tạo lao động để phát triển sản phẩm OCOP, cơ giới hóa nông nghiệp cũng rất cần lao động lành nghề.
Công tác đào tạo nghề phải thống nhất đổi mới lại tư duy, đổi mới đào tạo. |
Vì vậy, Thứ trưởng Nam yêu cầu công tác đào tạo nghề phải thống nhất đổi mới lại tư duy, đổi mới đào tạo, tập trung vào chất lượng đào tạo đa ngành nghề; cùng với đó là tiêu chí đánh giá để chuẩn hóa.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ khắc phục những hạn chế trong công tác dạy nghề. Đổi mới tư duy, dạy nghề linh hoạt, nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề, phù hợp xu hướng phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới theo hướng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… Tăng cường kiểm tra giám sát đào tạo nghề nông nghiệp. Nâng cao vai trò của các trường trực thuộc Bộ NN&PTNT trong đào tạo nghề, xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bộ sẽ có những chỉ đạo chiến lược để địa phương lấy đó làm căn cứ dạy nghề dựa trên thế mạnh của địa phương nhằm tái cơ cấu sản xuất tại vùng giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng các nội dung, định hướng cụ thể hoạt động cho đào tạo lao động nông nghiệp nông thôn.
Thy Lê