Nét nổi bật trong thực hiện công tác dạy nghề nông thôn trên địa bàn xã Vị Thắng là địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, với sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác, trường nghề, góp phần mở cơ hội việc làm, nâng cao nguồn thu nhập, mang lại đời sống ổn định cho người dân.
"Chìa khóa" nâng cao thu nhập
Với sự phối hợp và hỗ trợ thiết thực của các ban ngành, kể từ năm 2019 đến nay, xã đã tổ chức trên 20 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong lĩnh vực canh tác nông nghiệp thông minh, với gần 500 lượt nông dân tham dự và trên 90% diện tích canh tác được áp dụng.
Xã Vị Thắng đẩy mạnh dạy nghề giúp nông dân phát triển nông nghiệp thông minh (Ảnh TL). |
Bên cạnh đó, xã tổ chức tư vấn ngoài đồng được 15 buổi, có 159 nông dân tham gia về cách phòng bệnh trên cây lúa. Đồng thời, áp dụng mô hình điểm canh tác lúa thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 tại HTX Vị Thắng, có 10 hộ tham gia với diện tích 11,85 ha.
Xã cũng mở 2 lớp nuôi lươn sinh sản và lươn thịt, 3 lớp về tiểu thủ công nghiệp; tổ chức thăm đồng, hướng dẫn bà con cách phòng dịch hại trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu…
Trong các khóa dạy nghề, xã kết hợp vận động người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời nhân rộng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả.
Điển hình là mô hình trồng chanh không hạt kết hợp với dừa xiêm lùn, trồng cam xoàn, nuôi cá thát lát và trê vàng, mô hình đa canh “ruộng - cá - hoa màu”…
Là thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh, ông Trần Văn Đáng cho biết, tham gia các lớp tập huấn sản xuất lúa thông minh đã giúp ông có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết hơn về kỹ thuật trồng lúa đáp ứng với xu thế mới, ứng phó biến đổi khí hậu.
Điều quan trọng, sau khi tham gia lớp tập huấn, ông Đáng áp dụng ngay mô hình trồng lúa cấy bằng máy, giúp ít tốn tiền công, mang lại lợi nhuận hơn trồng lúa thông thường 20-30%.
Mỗi năm, trên diện tích 2 ha lúa, gia đình ông Đáng làm 2 vụ lúa và nuôi 1 vụ cá. Sau khi trừ các khoản chi phí, vụ lúa hè thu lãi 40-50 triệu đồng, vụ đông xuân lãi 70-80 triệu đồng.
Nhờ chú trọng nâng cao kỹ thuật trồng lúa theo xu thế mới cho nông dân, HTX Hai Huynh là HTX đầu tiên thực hiện mô hình trồng lúa thông minh hiệu quả ở tỉnh Hậu Giang và giúp thành viên HTX giảm chi phí, ít sâu bệnh, giảm công lao động và cho năng suất, lợi nhuận cao hơn. Bình quân 1 ha lúa canh tác theo mô hình trồng lúa thông minh mang lại lợi nhuận từ 30 triệu đồng trở lên.
Bám sát nhu cầu thực tế
Bên cạnh triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp, Vị Thắng còn tập trung phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn. Hiện, trên địa bàn xã có HTX đan lục bình ấp 10 đang tạo việc làm và tăng nguồn thu nhập cho hơn 200 lao động.
Các chương trình đào tạo sẽ được xã đẩy mạnh theo thực tế thị trường, đảm bảo việc làm cho người dân (Ảnh TL). |
Bà Lê Thị Ba, thành viên HTX đan lát lục bình ấp 10 chia sẻ: “Nhờ có HTX dạy nghề đã giúp tôi và chị em phụ nữ trong ấp có thêm nguồn thu nhập trong thời gian nhàn rỗi, khi mùa vụ kết thúc. Riêng bản thân tôi, với công việc đan lục bình hay cọng nhựa mỗi ngày kiếm được từ 60.000 - 70.000 đồng. Chị em nào đan nhanh thì có thu nhập nhiều hơn”.
Theo UBND xã Vị Thắng, việc tổ chức đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến nhằm giúp nông dân áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất trong xu thế mới là rất cần thiết. Qua đó, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, sức ép thị trường, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.
Định hướng trong thời gian tới, xã Vị Thắng sẽ chủ động xây dựng một số HTX, tổ hợp tác phát triển sản phẩm có mã code để truy xuất nguồn gốc. Đối với vùng sản xuất lúa an toàn ở ấp 7 và ấp 9, xã sẽ thực hiện liên kết với doanh nghiệp, trên diện tích khoảng 50 - 100 ha.
Đối với thủy sản, xã sẽ đẩy mạnh dạy và phát triển nghề nuôi lươn sinh sản và lươn thương phẩm; tiếp tục chuyển gần 150 ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, nhân rộng mô hình đan đát lục bình để giúp người dân nâng cao thu nhập.
Bên cạnh những lợi thế hiện có, để đời sống người dân ngày càng được nâng cao, phát triển bền vững, xã sẽ phát huy vai trò của các HTX, doanh nghiệp nhằm giải quyết triệt để bài toán đầu ra cho nông sản; phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm để giới thiệu việc làm ổn định cho người dân.
Nhật Minh