Điều đang là một trong những cây trồng thế mạnh của xã Long Hà, với tổng diện tích trên 2.000 ha. Kể từ năm 2015 đến nay, để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản phẩm, xã đã tích cực tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho các hộ trồng điều.
Hiệu quả thiết thực
Theo thống kê, trong 3 năm qua, xã Long Hà được các ban ngành của tỉnh, huyện hỗ trợ tổ chức hơn 30 buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, nhằm hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây điều giai đoạn ra hoa, đậu trái cho nông dân.
Một buổi hội thảo đầu bờ về kỹ thuật chăm sóc điều tại Long Hà (Ảnh TL). |
Ông Trịnh Xuân Lâm, kỹ sư nông nghiệp, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho hay, tại các buổi hội thảo, các hộ sẽ được hướng dẫn sản xuất giống điều bằng phương pháp nhân giống vô tính, trồng và chăm sóc vườn điều, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, nhận diện các loại sâu gây hại.
Đặc biệt, các hộ được hướng dẫn trực tiếp tại vườn theo phương thức “cầm tay chỉ việc” về cách cắt tỉa cành, tạo không gian thông thoáng cho vườn điều, cách bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây nhằm cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho cây điều trong giai đoạn ra hoa, đậu trái...
“Ảnh hưởng thời tiết đã tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh gây hại cây điều phát triển mạnh, ảnh hưởng đến hơn 40% diện tích điều ở Long Hà. Vì vậy, các lớp tập huấn, dạy nghề nâng cao kỹ thuật cho người trồng điều là đặc biệt quan trọng, nhằm đảm bảo năng suất, giá trị sản phẩm”, ông Lâm khẳng định.
Không chỉ có trồng trọt, nghề chăn nuôi ở xã Long Hà cũng được đánh giá có nhiều triển vọng phát triển tốt, có thể giúp đồng bào dân tộc thiểu số và lao động địa phương có cuộc sống sung túc hơn.
Anh Điểu Phú Đồng (người dân tộc S'tiêng), thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi thôn Bù Ka 1, xã Long Hà, mới thoát nghèo vào đầu năm 2020. Trước đây, gia đình anh thuộc diện nghèo khó nhất nhì thôn, nguyên nhân do không có đất sản xuất, anh phải đi làm thuê kiếm sống.
Gần đây, sau khi tham gia vào Tổ hợp tác và được hỗ trợ vay vốn mua bò giống về nuôi và chịu khó tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò nên đàn bò của gia đình anh phát triển tốt.
Ngoài thời gian chăn nuôi bò, vợ chồng anh Đồng còn xin vào làm công nhân cho các xưởng điều trong xã, với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Có thu nhập ổn định từ làm công nhân và chăn nuôi bò đã giúp gia đình anh Đông thoát nghèo bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh
Theo đại diện UBND xã Long Hà, trong hoạt động giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm trên địa bàn xã, công tác đào tạo nghề chăn nuôi cho lao động nông thôn và người dân tộc thiểu số đang là một trong những hoạt động trong tâm, được xã tập trung thực hiện.
Công tác dạy nghề nông thôn sẽ tiếp tục được xã Long Hà thúc đẩy (Ảnh TL). |
Cuối năm 2020, dự án Trang trại heo thịt ứng dụng công nghệ cao Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) đã được khởi công tại xã Long Hà trên diện tích gần 40ha. Dự án mỗi năm sẽ cung ứng cho thị trường hơn 130.000 con heo thịt sạch, tương đương hơn 14.000 tấn.
Sau khi đưa vào hoạt động, dự án này được kỳ vọng sẽ đào tạo được nguồn lực có chuyên môn về chăn nuôi cao, có kinh nghiệm vận hành hệ thống theo công nghệ hiện đại và tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả dạy nghề, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xã sẽ chủ động hình thành thêm các tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, trồng trọt. Đây được đánh giá là mô hình phù hợp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, tiềm năng của xã.
“Việc tham gia vào các mô hình tổ hợp tác, HTX sẽ giúp cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã gắn kết hơn, cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và có nhiều cơ hội tham gia vào các lớp tập huấn, đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt, từ đó ứng dụng tốt các kỹ thuật, giúp mang lại năng suất cao”, đại diện UBND xã Long Hà nhấn mạnh.
Nhật Minh