Kể từ năm 2015 đến nay, hàng trăm người dân ở các xã Thừa Đức, Thới Thuận "sống khỏe" nhờ nghề nuôi nghêu. Hiện, nghêu Bình Đại được coi là đặc sản của vùng, có chỗ đứng vững vàng trên thị trường nhiều tỉnh, thành phố như TP. HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Long An…
Nâng cao hàm lượng kỹ thuật
HTX Thủy sản Rạng Đông, xã Thới Thuận đang là một trong những đơn vị thực hiện quản lý và khai thác nghêu có hiệu quả nhất của huyện Bình Đại. Thời gian qua, HTX đã tổ chức dạy nghề, tập huấn kỹ thuật và triển khai mô hình nuôi trồng, khai thác nghêu theo hướng bền vững.
Học nghề tinh thông sẽ giúp các hộ nuôi nghêu giảm rủi ro từ môi trường, tăng giá trị sản xuất (Ảnh TL). |
Ông Nguyễn An Ri, Giám đốc HTX cho hay, Bình Đại có cửa sông Hàm Luông với trữ lượng nghêu dồi dào, nông dân gần như không mất tiền mua giống, tiền thuê mặt nước, chỉ cần học cách làm giàn (có phao nổi để nghêu tự nhiên bám vào) và kỹ thuật chăm sóc là có thể phát triển mô hình.
Theo đó, các thành viên khi tham gia, liên kết với HTX sẽ được tham gia khóa đào tạo nghề ngắn hạn từ 3 - 7 tuần để nắm vững quy trình nuôi, nâng cao nhận thức về sản xuất an toàn sinh thái, đảm bảo vừa nâng cao giá trị kinh tế vừa bảo vệ môi sinh.
“Nghêu là nguồn tài nguyên sinh học, đang mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho nông dân, tuy có khả năng tái tạo nhưng rất dễ bị tổn thương và có thể bị cạn kiệt. Vì vậy, học nghề tinh thông để phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm tính bền vững của mô hình là đặc biệt cần thiết”, ông Nguyễn An Ri nhấn mạnh.
Cùng với nghêu, mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn cũng đang có triển vọng rất lớn trên địa bàn huyện Bình Đại. Để nâng cao hiệu quả, một Hội quán trên địa bàn huyện được thành lập, giúp các thành viên học nghề, trao đổi cách làm ao, xử lý ao nuôi có hiệu quả, trao đổi kiến thức bằng cách tổ chức tập huấn, đi tham quan thực tế.
Anh Trần Văn Bắc, thành viên Hội quán, tỏ ra khá tâm đắc với mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2 giai đoạn. Anh cho rằng, trước tình hình xâm nhập mặn ngày càng diễn biến khó lường, thì nuôi tôm 2, 3 giai đoạn cho hiệu quả cao đến hơn 80%. Người nuôi không sợ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn và nắng gắt.
Hiện nay, anh Bắc đang phát triển nuôi tôm công nghệ cao lên 3, 4 giai đoạn với năng suất cao, đạt 100.000 tôm giống khi nuôi 3, 4 giai đoạn, tôm đạt 20 con/kg, sản lượng đạt trên 4 tấn/năm.
Tiếp tục nâng tầm thế mạnh
Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng và phát triển mô hình Hội quán nuôi tôm 2 giai đoạn ở huyện Bình Đại là tiền đề tốt để tiến tới thành lập phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX nuôi tôm công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu tại địa phương.
Đặc biệt, khi thành lập được tổ hợp tác, HTX, việc liên kết hộ nuôi tôm 2 giai đoạn sẽ chặt chẽ hơn để thực hiện liên kết chuỗi, tiếp cận thị trường, tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn và vừa giúp nâng cao kiến thức nuôi tôm cho các thành viên thông qua việc tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao.
Các vật nuôi thế mạnh như nghêu, tôm, hàu sữa... sẽ tiếp tục được huyện chú trọng nhân rộng (Ảnh TL). |
Theo Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, địa phương hiện có hơn 400 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình 2 giai đoạn, với 113 ao ương giống và 327 ao nuôi, tập trung ở các xã Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Bình Thắng, Thừa Đức và Thới Thuận.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của các mô hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là hai con chủ lực tôm và nghêu, huyện sẽ chủ động đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn cặn kẽ cho nông dân các kỹ thuật chọn con giống tốt, phương pháp quản lý thức ăn để tránh dư thừa và biết cách sử dụng chế phẩm sinh học có hiệu quả, phương pháp phòng bệnh tổng hợp và phòng trị một số bệnh phổ biến…
“Cùng với sự đồng hành của địa phương, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện cần chủ động tham gia thêm những lớp tập huấn nhằm tiếp cận và áp dụng những tiến bộ về khoa học - kỹ thuật, từ đó nâng cao giá trị sản xuất một cách bền vững”, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại nhấn mạnh.
Hưng Nguyên