Thời gian qua, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho lao động nông thôn.
Học đi đôi với hành
Để chủ động thực hiện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang phối hợp với các xã, thị trấn triển khai rà soát nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn, phối hợp với các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Đặc biệt, đổi mới cách thức, phương pháp đào tạo nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc” dạy nghề giữa lý thuyết gắn với thực hành nên các học viên đều dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.
Phương pháp đào tạo nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc” dạy nghề giữa lý thuyết gắn với thực hành. |
Cùng với đó, ưu tiên đào tạo nghề theo nhu cầu của người học gắn với những tiềm năng thế mạnh của địa phương, gắn với phát triển sản xuất mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được huyện áp dụng thu hút đông đảo lao động nông thôn tham gia.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang cho biết: Trong năm 2019, Trung tâm đã tổ chức các ngành nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng cây công nghiệp, trồng nấm, trồng rau, sản xuất hàng mây, tre đan và kỹ thuật máy nông nghiệp… Người dân nắm chắc được kiến thức về kỹ thuật để áp dụng nâng cao hiệu quả sản xuất phát triển kinh tế, điển hình như mô hình HTX sản xuất hàng mây, tre đan của chị Lương Thị Linh, thôn Nà Khá (Năng Khả)…
Bên cạnh đó, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời xây dựng kế hoạch mở lớp kỹ thuật trồng cây đậu xanh, đậu tương, trồng rau, nuôi cá chép ruộng và sản xuất hàng mây, tre đan ở các xã Hồng Thái, Đà Vị, Yên Hoa, Thượng Giáp… Việc tổ chức lớp dạy nghề căn cứ vào thực tiễn để đào tạo trên cơ sở phát huy khai thác tốt lợi thế sẵn có của địa phương.
Theo kế hoạch năm 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Na Hang sẽ mở 9 lớp đào tạo nghề cho trên 300 người. Trong đó, học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả, góp phần đáp ứng nguồn nhân lực để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tương tự, ở Tuyên Quang có nhiều mô hình dạy nghề đang cho thấy rõ hiệu qua. Đơn cử, những năm qua, HTX Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu ở xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên) được xem là một trong các đầu mối sản xuất và cung ứng cam sành Hàm Yên chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX đã được cấp giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) từ năm 2015.
Điều đặc biệt là HTX còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của địa phương, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn miễn phí cho người dân trong vùng về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản… để sản phẩm cam sành có chất lượng tốt nhất.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề
Tỉnh Tuyên Quang với nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuyên Quang đã được triển khai thực hiện có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Học sản xuất sạch để đưa Cam Hàm Yên vươn xa. |
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đào tạo nghề cho trên 30.000 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề trên 6.000 lao động.
Qua triển khai thực hiện từ năm 2010 - 2019, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình đạt hiệu quả, đến nay đã có 59 mô hình điển hình. Trong đó, mô hình cá nhân điển hình có 55 mô hình và 4 mô hình tổ chức điển hình.
Từ các cơ chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo đã gắn kết với công tác giải quyết việc làm cho lao động, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương, đồng thời tạo lợi thế để cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động. Nhiều lao động đã tiếp cận với khoa học công nghệ, tác phong làm việc công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động.
Bà Mai Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2020, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhằm thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn.
"Yêu cầu mà tỉnh đặt ra trong năm 2020 là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, yêu cầu của thị trường lao động", bà Bình nhấn mạnh.
Thy Lê