Năm 2019, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã tổ chức các lớp dạy nghề sản xuất khoai tây giống và thương phẩm cho 70 lao động nông thôn.
Học trồng khoai tây để phát triển kinh tế
Tại các lớp học này, học viên được chia sẻ kiến thức, đào tạo kỹ thuật mới về kỹ thuật chọn lọc củ giống khoai tây, được hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cây khoai tây đảm bảo sản xuất củ giống sạch bệnh.
Lớp dạy nghề trồng khoai tây. |
Sau khóa học, ông Bùi Quang Thường, thôn Tràng Vinh (huyện Đông Hưng) đã áp dụng những kiến thức được dạy vào thực tiễn bằng cách đầu tư sản xuất khoai tây trên diện tích lớn. Kết quả, năng suất thu được trung bình 5 tạ/sào, thu về gần 50 triệu đồng trong vụ đầu tiên.
Theo ông Nguyễn Trọng Tài, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nguyên Xá, khoai lang là cây vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao, với giá bán từ 6.000 - 12.000 đồng/kg góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Trần Minh Bằng, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp xã Trọng Quan, cho biết: Sau khóa đào tạo, học viên đã được nâng cao nhận thức, tiếp thu nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về kỹ thuật chọn lọc củ giống khoai tây, nắm vững quy trình trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cây khoai tây đảm bảo sản xuất củ giống sạch bệnh.
Ông Bằng cũng cho biết thêm, tổng diện tích trồng màu của xã trên 165 ha nên tiềm năng mở rộng diện tích khoai tây vụ Đông của xã rất lớn. Hiện nay, HTX có 5 kho lạnh với công suất 30 - 40 tấn/kho, đảm bảo đủ điều kiện để bảo quản củ giống khoai tây đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, HTX không những đã chủ động được nguồn giống khoai tây sạch bệnh cho bà con trong xã mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Nông dân dạy nông dân
Từ việc nâng cao hiệu quả kinh tế, nông dân tiếp tục duy trì sản suất, tạo việc làm ổn định, mỗi học viên là một tuyên truyền viên khuyến cáo mở rộng sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng "Nông dân dạy nông dân".
Các khóa đào tạo nghề giúp cho hàng nghìn lao động có việc làm ổn định. |
Ông Bằng đề nghị các cấp và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình cần tiếp tục mở lớp dạy nghề cho bà con trong xã để mở rộng diện tích trồng khoai tây vụ Đông, góp phần tăng thêm thu nhập trên diện tích đất 2 vụ lúa của xã.
Trong những năm qua, dạy nghề trồng khoai tây chỉ là một trong rất nhiều khóa đào tạo nghề nông nghiệp đã được tỉnh Thái Bình mở trong thời gian gần đây. Qua nhiều năm thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị để góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.
Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, nhiệm vụ những năm tiếp theo là bám sát định hướng của ngành.Trung tâm xây dựng kế hoạch và trình các cấp thẩm duyệt chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở rộng đối tượng học nghề là nông dân trong vùng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ưu tiên cho phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của từng địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Chương trình OCOP - "Mỗi xã một sản phẩm".
Nhìn lại 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, Thái Bình cho biết đã đào tạo nghề cho 73.558 người với kinh phí hỗ trợ là 81.778 triệu đồng. Số lao động có việc làm học nghề phi nông nghiệp sau đào tạo bình quân đạt 75%; lao động học nghề nông nghiệp tiếp tục làm nghề cũ nhưng hiệu quả đã đạt cao hơn so với khi chưa được học nghề, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm tăng cao so với mục tiêu kế hoạch.
Các khóa đào tạo nghề ngắn hạn đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động (đặc biệt các đối tượng chính sách, người nghèo...) ở Thái Bình có việc làm, ổn định cuộc sống.
Thy Lê